04:10, 07/10/2016

Xã Vạn Phước: Làm giàu từ mô hình kinh tế vườn đồi

Những năm gần đây, mô hình kinh tế vườn đồi tại xã Vạn Phước (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) phát triển khá mạnh, đem lại thu nhập cao cho người dân nơi đây.

Những năm gần đây, mô hình kinh tế vườn đồi tại xã Vạn Phước (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) phát triển khá mạnh, đem lại thu nhập cao cho người dân nơi đây.


Men theo con đường mòn ven núi tại khu vực hồ Hoa Sơn (xã Vạn Phước), chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế vườn đồi của hộ ông Nguyễn Nuôi. Bên ly trà mời khách, chỉ tay về phía vườn đồi trải dài một màu xanh tít tắp, ông Nuôi không giấu được vẻ tự hào. Ông kể, năm 2008, ông bắt đầu thực hiện cải tạo 10ha vườn đồi của gia đình để trồng cây ăn quả, trong đó chủ yếu là trồng chuối và xen thêm 1.000 cây bơ. Với điều kiện thổ nhưỡng đất đồi có độ dốc thoai thoải, cùng với nguồn nước tưới luôn đảm bảo từ các dòng suối nên cây chuối sinh trưởng tốt, cho thu hoạch quanh năm, đầu ra cũng rất ổn định. Bên cạnh đó, 1.000 cây bơ cho thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch cũng mang lại cho gia đình ông thu nhập đáng kể. “Mỗi năm, gia đình tôi thu nhập từ 300 - 350 triệu đồng. Trong đó, riêng cây chuối cho thu nhập khoảng 20 - 25 triệu đồng/tháng”, ông Nuôi vui mừng nói.

 

Mô hình kinh tế vườn đồi đang phát triển mạnh tại xã Vạn Phước
Mô hình kinh tế vườn đồi đang phát triển mạnh tại xã Vạn Phước


Không chỉ có chuối và bơ, nhiều hộ ở đây còn mạnh dạn đưa các giống cây có giá trị kinh tế cao vào trồng thử nghiệm tại vườn đồi của mình và đã mang lại hiệu quả bước đầu. Mô hình vườn đồi của gia đình ông Nguyễn Trận là minh chứng. Ngoài trồng chuối, ông còn trồng nhiều loại cây ăn trái khác như: sầu riêng, bưởi, chôm chôm. Ông Trận cho hay, cách đây 8 năm, ông bắt đầu trồng thử nghiệm cây sầu riêng trên vườn đồi của gia đình. Nhờ học được kỹ thuật chăm sóc, cùng với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên cây sầu riêng sinh trưởng nhanh. Sau 6 năm, cây bắt đầu cho trái, thấy khả quan nên ông tiếp tục trồng thêm hơn 200 cây sầu riêng và đến nay đã được 3 năm tuổi. Mỗi năm, hơn 50 gốc sầu riêng của gia đình ông cho thu hoạch từ 8 - 10 tấn trái, chất lượng không thua kém sầu riêng ở nơi khác. “Sầu riêng ở đây cơm dày và thơm ngon; thu hoạch đến đâu bán hết đến đó, chủ yếu tại địa phương với giá 50.000 đồng/kg. Mỗi năm, sầu riêng, chuối và các cây trồng khác cho gia đình thu nhập hơn 300 triệu đồng. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng sầu riêng”, ông Trận chia sẻ. Được biết, nhiều hộ ở đây thấy sầu riêng phát triển tốt, nên hiện nay đã trồng được hàng ngàn cây.


Trao đổi cùng chúng tôi, ông Trần Đình Thi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Phước cho biết, khu vực hồ Hoa Sơn hiện có gần 100 hộ phát triển mô hình kinh tế vườn đồi, với tổng diện tích hơn 1.500ha. Bên cạnh việc canh tác một số loại cây trồng quen thuộc tại địa phương, các hộ còn chủ động đưa vào trồng một số cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như: bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm… Bước đầu, các loại cây trồng mới này phát triển mạnh, cho năng suất khá và mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Nhờ đó, các hộ này đều có cuộc sống khá giả.


Tuy nhiên, do nguồn giống người dân chủ yếu mua ngoài thị trường nên chất lượng không đảm bảo. Do đó, việc hỗ trợ các loại cây giống có giá trị kinh tế cao đang là điều bà con mong muốn. “Hiện nay, Hội Nông dân xã đã tham mưu cho UBND xã xin hỗ trợ giống cây trồng có chất lượng tốt và năng suất cao từ ngành chức năng để nông dân đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó, hội sẽ mời các chuyên gia về mở lớp tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc các loại cây trồng cho bà con, nhất là kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng”, ông Thi nói.


THANH HẢI