Những năm qua, Quỹ hỗ trợ nông dân đã trợ giúp hàng ngàn hộ nông dân có thu nhập ổn định thông qua các mô hình kinh tế thực hiện từ nguồn vốn này.
Những năm qua, Quỹ hỗ trợ nông dân đã trợ giúp hàng ngàn hộ nông dân có thu nhập ổn định thông qua các mô hình kinh tế thực hiện từ nguồn vốn này. Tuy nhiên, mức vay khá thấp, hiện nay không còn phù hợp với quy mô sản xuất ngày một lớn của nông dân.
Hiệu quả bước đầu
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa, những năm qua, việc hỗ trợ vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân đã đạt được kết quả khả quan. Nhiều dự án sau khi triển khai đầu tư cho chăn nuôi, trồng trọt, ngành nghề, dịch vụ… đã xây dựng được các tổ hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. Chẳng hạn như mô hình tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học tại xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm. Được hỗ trợ 400 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, các hộ trong tổ đã tăng số lượng đàn gà từ 4.000 con/trại lên 5.000 con/trại, đầu tư thức ăn, thuốc thú y... nên năng suất, chất lượng sản phẩm tăng. Sau khi trừ chi phí, bình quân thu nhập mỗi hộ tăng từ 45 triệu đồng/năm lên 60 triệu đồng/năm.
Trồng tỏi ở Vạn Ninh |
Tại thị xã Ninh Hòa, mô hình tổ hợp tác trồng dừa xiêm chất lượng cao tại phường Ninh Đa được quỹ đầu tư 300 triệu đồng cho 15 hộ vay. Số tiền này được các hộ đầu tư mở rộng quy mô, trồng mới hơn 300 cây dừa, đưa thu nhập từ 25 triệu đồng/hộ/năm lên 40 triệu đồng đồng/hộ/năm. Tại huyện Khánh Sơn, mô hình Tổ hợp tác nuôi heo thịt tại xã Sơn Trung sau khi được hỗ trợ vốn đã thể hiện rõ tính hiệu quả. Với 170 triệu đồng cho 9 hộ vay để đầu tư mở rộng chuồng trại và phát triển đàn heo, mô hình đã góp phần tăng thu nhập mỗi năm cho các hộ từ khoảng 40 triệu đồng lên gấp đôi con số đó; cá biệt có trường hợp thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Còn rất nhiều mô hình, dự án sử dụng vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân đã cho hiệu quả như: chăn nuôi gà lạnh tại xã Cam Hiệp Bắc, gà thả vườn tại xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm; trồng rong sụn tại phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh; trồng nấm rơm ở phường Ninh Hà và xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa; chăn nuôi heo sinh sản ở xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh; trồng bưởi da xanh ở xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh…
Không chỉ cho vay vốn phát triển sản xuất, các cấp hội nông dân còn tổ chức những lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho hội viên. Bà Trần Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “5 năm qua, các cấp hội trong tỉnh đã tổ chức và phối hợp tổ chức gần 2.600 lớp tập huấn với hơn 156.000 lượt người tham gia. Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã mở hơn 70 lớp dạy nghề cho hơn 2.000 người tham gia. Đây là cơ sở tác động đến hiệu quả sử dụng vốn vay”.
Cần phát triển quỹ
Giai đoạn 2011 - 2015, Quỹ hỗ trợ nông dân cho các hộ vay với mức từ 10 đến 30 triệu đồng/hộ; ở quy mô dự án được vay tối thiểu 100 triệu đồng, tối đa 300 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với nhiều hộ, nhưng cùng với quá trình phát triển, số vốn này không đủ so với nhu cầu cần đầu tư của các hộ cho những mô hình kinh tế quy mô lớn hơn.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, đến ngày 31-5-2016, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh đạt hơn 38 tỷ đồng, tăng hơn 26 tỷ đồng so với cuối năm 2010. Từ nguồn vốn này, các cấp hội đã giải ngân kịp thời cho 134 dự án với 1.400 hộ vay ở mức từ 10 đến 40 triệu đồng/hộ; trên 2.000 hộ bằng nguồn vốn cơ sở hội vận động cho vay mức 3 - 10 triệu đồng/hộ. Các hộ sử dụng vốn hiệu quả, trả nợ đúng hạn, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho nông dân. |
Theo bà Trần Thị Kim Liên, thực tế nhu cầu nông dân cần được hỗ trợ vốn thông qua Quỹ hỗ trợ nông dân rất lớn, nhất là đối với các tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả. Hiện nay, tỷ lệ các tổ hợp tác được hỗ trợ vốn chỉ đạt khoảng 30%. Các dự án, mô hình như: trồng tỏi (Ninh Hòa, Vạn Ninh); các trang trại trồng cam, bưởi, sầu riêng (Khánh Sơn, Khánh Vĩnh); nuôi tôm hùm (Cam Ranh); nuôi cá lồng bè, chăn nuôi gia súc quy mô lớn (Cam Lâm)… có nhu cầu vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đồng, trong khi mức hỗ trợ một dự án chỉ từ 100 đến 500 triệu đồng. Đối với các hộ trong tổ, nhóm có nhu cầu vay nhiều người thì mức hỗ trợ từ 20 đến 40 triệu đồng/hộ là rất thấp.
Theo dự thảo kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân” giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu đến năm 2020, quy mô Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt 57 tỷ đồng. Để đạt được điều này, trong 4 năm từ 2017 đến 2020, Hội Nông dân tỉnh đề nghị ngân sách tỉnh xem xét cấp bổ sung mỗi năm 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong buổi làm việc mới đây giữa Hội Nông dân và UBND tỉnh, nguồn ngân sách tỉnh dành cho Quỹ hỗ trợ nông dân chỉ có thể đáp ứng mỗi năm 1 tỷ đồng. Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Hội Nông dân tỉnh ngoài nguồn ngân sách được cấp bổ sung hàng năm, Hội Nông dân các cấp cần chủ động tuyên truyền, vận động xã hội hóa để xây dựng quỹ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Các cấp chính quyền tạo điều kiện để hội vận động xây dựng quỹ có hiệu quả.
Có thể thấy, trong giai đoạn tới, ngoài nguồn vốn từ ngân sách cấp bổ sung hàng năm, việc phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân phải trông chờ nhiều vào sự chung tay của các tổ chức, cá nhân theo mô hình xã hội hóa.
C.Đ