Do thiếu vốn và đầu ra sản phẩm không ổn định nên các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang gặp không ít khó khăn, chậm phát triển.
Do thiếu vốn và đầu ra sản phẩm không ổn định nên các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang gặp không ít khó khăn, chậm phát triển.
Còn nhiều khó khăn
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 4.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành nghề như: chế biến nông - lâm - thủy sản, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Mặc dù đóng góp giá trị kinh tế của các cơ sở này không cao, nhưng giải quyết được phần lớn lao động, đặc biệt là lao động thủ công, lao động nông thôn. Những năm qua, sự phát triển mạnh về du lịch ở TP. Nha Trang là cơ hội để các cơ sở tiểu thủ công nghiệp ở Khánh Hòa phát triển, đặc biệt là thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, thủ công mỹ nghệ ở TP. Nha Trang và các vùng lân cận đang gặp nhiều khó khăn.
Nghề làm ốc mỹ nghệ ở xã Vĩnh Phương (TP. Nha Trang) gặp khó khăn vì không tìm được đầu ra |
Tại xã Vĩnh Phương (TP. Nha Trang) có nhiều cơ sở sản xuất ốc mỹ nghệ nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu từ các vùng biển. Trước đây, các cơ sở này hoạt động khá tốt, với khoảng từ 40 đến 60 lao động/cơ sở, doanh thu ổn định mỗi năm vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, mặt hàng này ế ẩm, đơn đặt hàng thưa dần. Các cửa hàng ở Chợ Đầm, chợ Xóm Mới, khu phố đi bộ cũng bán hàng rất chậm. Chưa kể, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhưng giá bán không thể tăng vì phải cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất công nghiệp. Một số cơ sở tranh thêu, dệt chiếu cũng trong tình trạng khan hiếm đơn đặt hàng.
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ - chủ Cơ sở ốc mỹ nghệ Mỹ Mẫn (xã Vĩnh Phương) cho biết, trước đây, cơ sở của bà luôn có hàng chục lao động thường xuyên làm việc. Ngoài ra, bà còn giao khoán cho lao động địa phương làm tại nhà. Tuy nhiên, hiện tại cơ sở của bà có hàng chục tấn ốc mỹ nghệ đã được đóng thùng sẵn nhưng không tiêu thụ được. Bà đang cố cầm cự, duy trì hoạt động chờ thời cơ mới.
Khá hơn nghề sản xuất ốc mỹ nghệ, mặt hàng gỗ mỹ nghệ khá hút hàng bởi thị trường TP. Hồ Chí Minh và nước ngoài đang ưa chuộng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Thiện, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu ở phường Cam Thuận (TP. Cam Ranh), để đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường, đòi hỏi các cơ sở phải luôn thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng vì thiếu vốn đầu tư máy móc hiện đại nên chúng tôi đang gặp không ít khó khăn.
Nên tổ chức, sắp xếp lại
Thời gian qua, bằng nguồn vốn khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh đã hỗ trợ các cơ sở tiểu thủ công nghiệp thay đổi công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, tổ chức cho các cơ sở tham gia hội chợ, triển lãm ngoài tỉnh để mở rộng thị trường tiêu thụ, gắn kết các cơ sở sản xuất với hoạt động du lịch nhằm quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thủ công truyền thống.
Ông Võ Đình Thoại - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết, phần lớn các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp nông thôn đều gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, tiêu thụ sản phẩm còn nhỏ lẻ, phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng tự phát. Các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác khuyến công còn chậm được triển khai phổ biến đến cơ sở, định mức hỗ trợ kinh phí khuyến công theo quy định của Nhà nước còn thấp nên chưa kích thích được người dân, doanh nghiệp đầu tư vốn vào phát triển tiểu thủ công nghiệp. Việc đào tạo nghề về tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là tại các huyện miền núi đang gặp nhiều khó khăn. Cạnh đó, kinh phí khuyến công dành cho các dự án thấp hơn nhiều so với nhu cầu nên hiệu quả hoạt động chưa cao.
Theo ông Thoại, hiện nay, đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp chủ yếu là nghề mới, thời gian đào tạo ngắn. Vì vậy, người lao động chỉ sản xuất được một số mặt hàng đơn giản, giá thành thấp nên thu nhập từ nghề chưa cao, khiến người lao động chưa mặn mà. Thời gian tới, cơ quan chức năng nên định hướng tổ chức, sắp xếp lại các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó cần tạo ra các sản phẩm đa dạng, chất lượng, có tính mỹ thuật, chú trọng khai thác triệt để những thế mạnh của ngành mỹ nghệ, góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề trong tỉnh.
NHẬT THANH
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã phối hợp với Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương), Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cam Lâm và Vạn Ninh tổ chức 2 lớp tập huấn chính sách khuyến công trên địa bàn 2 huyện. Ngoài ra, phối hợp với Sở Công Thương và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, triển khai thực hiện các đề án khuyến công tại cơ sở. Trong những tháng cuối năm, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để hỗ trợ kinh phí khuyến công cho các đề án: ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến sản xuất bánh mì của hộ kinh doanh Quốc Lễ (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn); ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến sản xuất thiết bị ngành cà phê của Công ty TNHH Đại Quyết Tiến (thôn Vĩnh Cát, xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh); đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến sản xuất gạch Block không nung của hộ kinh doanh Thảo Vy (phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh); ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến sản xuất sản phẩm trà thảo dược của hộ kinh doanh Hoàng Hoa Thôn (thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang); ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến sản xuất, gia công, chế biến đồ gỗ gia dụng và mỹ nghệ của hộ kinh doanh Nguyễn Quang Bắc (xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh); ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến sản xuất mây đan lát xuất khẩu của DNTN sản xuất Minh Đạt (xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa).