Năm nay, do ảnh hưởng của nắng hạn, sâu bệnh nên năng suất mì trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) rất thấp. Trong khi đó, giá mì tươi hiện nay chỉ 700 đồng/kg nên người trồng mì thất thu.
Năm nay, do ảnh hưởng của nắng hạn, sâu bệnh nên năng suất mì trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) rất thấp. Trong khi đó, giá mì tươi hiện nay chỉ 700 đồng/kg nên người trồng mì thất thu.
Những ngày gần đây, Khánh Vĩnh liên tục có mưa lớn, người trồng mì đứng ngồi không yên vì mì đã đến kỳ thu hoạch mà không bán được do giá rất thấp; nếu để lâu thì mì rất dễ bị úng, hư hại. Gia đình ông Cà Lang (xã Liên Sang) có 2ha mì, hầu hết diện tích bị ảnh hưởng nặng do thời tiết nắng hạn, củ rất nhỏ, năng suất thấp, chỉ được khoảng 5 tấn tươi/ha. Ông cho biết, mì củ nhỏ nên thương lái chê không thu mua, gia đình ông còn mấy tấn mì trên rẫy chưa thu hoạch. Giá bán thấp mà tiền công thuê người nhổ mì đã mất 120.000 đồng/ngày, nên mỗi ngày ông tự lên rẫy nhổ mì, rồi gùi về bán cho điểm thu mua gần nhà để có thêm tiền mua thức ăn.
Mì ở Khánh Vĩnh năm nay củ nhỏ, năng suất thấp |
Gia đình ông Hà Si (xã Cầu Bà) có 1ha mì, trong đó có 0,7ha giống mới, còn lại là giống cũ. Mì giống mới thì bị giảm năng suất do nắng hạn, mì giống cũ bị bệnh chổi rồng, 1ha mà chỉ thu hoạch được 6 tấn tươi (nếu thuận lợi phải thu được hơn 15 tấn). Ông Si cho biết: “Không chỉ giảm năng suất, giá mì hiện nay cũng rất thấp, chỉ còn 700 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so với thời điểm này năm trước. Với giá bán hiện tại, gia đình tôi chỉ thu được 4,2 triệu đồng, trong khi tiền thuê nhân công nhổ mì đã hết gần 2 triệu đồng”.
Theo ông Ngô Đình Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Sang, toàn xã có 110ha mì. Đây là cây trồng chủ lực của địa phương. Những năm trước, cây mì cho hiệu quả kinh tế cao, còn năm nay, ngoài nguyên nhân mì rớt giá kéo dài, năng suất mì giảm từ khoảng 20 tấn/ha trước đây xuống còn 10 - 12 tấn/ha đã khiến nhiều hộ trồng mì khó khăn.
Lý giải về nguyên nhân mì rớt giá, ông Thái cho rằng, giá nông sản trên địa bàn Khánh Vĩnh luôn bấp bênh và ở mức thấp là bởi đầu ra cho nông sản phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, họ đưa mức giá nào thì nông dân biết mức giá đó. Ngoài ra, nhiều hộ khó khăn nên ứng vốn, mua nợ gạo, muối… từ thương lái, vì vậy khi thu hoạch, họ phải bán lại cho thương lái với giá thấp. “Chính vì hiệu quả cây mì rất thấp nên nhiều hộ trên địa bàn xã đã chuyển đổi dần sang trồng các loại cây khác hiệu quả hơn như: keo, cây ăn quả…, dự kiến diện tích chuyển đổi năm nay lên đến hàng chục héc-ta”, ông Thái nói.
Ông Mà Thân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cầu Bà cho biết: “Trên địa bàn xã có 135ha mì, trong đó có hơn 95ha đã được chuyển đổi sang giống mới, còn lại vẫn giống cũ KM94. Cây mì đang trong giai đoạn phát triển thì gặp nắng hạn, bị bệnh chổi rồng nên giảm năng suất. Ngoài ra, trên một diện tích đất, từ nhiều năm nay, nông dân chỉ trồng mì nhưng lại không đầu tư cải tạo, trong quá trình trồng không chăm sóc chu đáo, phân bón đầy đủ nên năng suất không cao”.
Ông Lê Văn Hùng - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Khánh Vĩnh cho biết: “Khánh Vĩnh hiện có khoảng 1.500ha mì. Thời gian qua, các giống mì mới có khả năng kháng bệnh, cho năng suất cao đã được thay thế dần giống mì KM94; đến nay, có khoảng 70% diện tích mì trên địa bàn huyện đã được người dân trồng các giống mới. Mì nếu được chăm sóc tốt có thể cho năng suất hơn 30 tấn/ha, nhưng các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn trồng mì theo kiểu nhờ trời, không chăm sóc, bón phân nên đạt cao nhất chỉ khoảng 13 - 14 tấn/ha. Hiện nay, nhiều hộ đang tiến hành chuyển đổi sang các cây trồng khác. Trong thời gian tới, diện tích mì ở địa phương sẽ bị thu hẹp”.
BÍCH LA