Với diện tích vườn rừng, vườn nhà rộng lớn, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đang thu hút nhiều người ở địa phương khác đến đây đầu tư phát triển mô hình trang trại chăn nuôi.
Với diện tích vườn rừng, vườn nhà rộng lớn, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đang thu hút nhiều người ở địa phương khác đến đây đầu tư phát triển mô hình trang trại chăn nuôi.
Thu hút người nơi khác đến đầu tư
Mấy năm trước, thấy điều kiện chăn nuôi tại Khánh Vĩnh tốt, ông Huỳnh Đắc Trung (huyện Diên Khánh) đã mạnh dạn mua đất, lập trang trại. Đến nay, ông Trung đã có 2 trang trại nuôi heo tại xã Khánh Nam và Khánh Trung, với tổng diện tích 2ha. Quy mô mỗi trại 1.000 con/lứa/đợt, xuất bán mỗi năm 2 đợt, đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng.
Chăn nuôi tập trung. (Ảnh minh họa) |
Ngoài trại chăn nuôi khá quy mô tại Diên Khánh, bà Huỳnh Thị Chín còn đầu tư phát triển thêm trang trại tại Khánh Vĩnh. Trang trại nuôi heo của bà Chín tại xã Khánh Bình có cảnh quan khá đẹp với rừng cây, hồ nước, nhà thủy tạ làm nơi thư giãn cuối tuần, còn khu vực chăn nuôi nằm sâu phía trong. Theo bà Chín, Khánh Vĩnh có nhiều tiềm năng để phát triển trang trại hay các mô hình chăn nuôi tập trung bởi đất đai còn rộng.
Ông Phan Đình Tuyến - Chủ tịch UBND xã Khánh Bình cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn đã có một số tổ chức, cá nhân từ nơi khác tới mua đất để đầu tư trang trại. Hiện tại, địa phương có 2 trang trại chăn nuôi gà và heo đang hoạt động, quy mô hàng ngàn con.
Theo thống kê của Trạm Chăn nuôi thú y Khánh Vĩnh, toàn huyện hiện nay có 7 trang trại, trong đó 5 trang trại nuôi heo và 2 trang trại nuôi gà. Hầu hết các trang trại đều làm gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Công ty cung cấp giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Nhà đầu tư tìm kiếm đất đai, xây trại, thực hiện quy trình nuôi dưỡng theo hướng dẫn của công ty cho đến kỳ xuất bán. Vì vậy, hiệu quả từ các mô hình này phát triển khá tốt, việc chăn nuôi ổn định.
Quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung tại 4 xã
Ông Nguyễn Xuân Tân - Trưởng Trạm Chăn nuôi thú y Khánh Vĩnh cho biết, với những lợi thế về môi trường, đất đai, lao động..., Khánh Vĩnh hoàn toàn có thể phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng hiện đại. Tuy vậy, nguồn nhân lực dồi dào nhưng trình độ kỹ thuật còn yếu, hầu hết chưa qua đào tạo. Nếu kinh tế trang trại phát triển, thu hút được nhiều lao động thì vấn đề đào tạo nghề cần đặt ra để tạo động lực cho lực lượng lao động có tay nghề, thích hợp với phương pháp làm việc tại các trang trại.
Lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh cũng đã tính đến việc phát triển trang trại tập trung để làm chuyển biến căn bản lĩnh vực chăn nuôi. Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn còn nhiều hạn chế về trình độ kỹ thuật, tay nghề, chăn nuôi theo kiểu tự nhiên, thả rông là chính nên kém phát triển. Bên cạnh đó, các hộ đồng bào còn yếu về tiềm lực tài chính nên rất khó phát triển loại hình trang trại chăn nuôi.
Ông Lê Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho rằng, trước mắt, để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, huyện quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung tại 4 xã: Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Đông và Khánh Trung, bởi nơi đây có nhiều thuận lợi để phát triển chăn nuôi so với các khu vực khác. Tỉnh cũng đã quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung tại Khánh Vĩnh với quy mô 100ha. Hy vọng, thời gian tới, các mô hình chăn nuôi tập trung sẽ phát triển, tạo khởi sắc mới cho ngành chăn nuôi tại huyện miền núi này.
V.L