11:10, 02/10/2016

Hướng tới xây dựng vùng chuyên canh

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Đề án Chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2016 - 2020 hướng tới xây dựng các vùng chuyên canh nhằm thích ứng với những khó khăn, thách thức trong sản xuất, tiêu thụ cũng như biến đổi khí hậu.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Đề án Chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2016 - 2020 hướng tới xây dựng các vùng chuyên canh nhằm thích ứng với những khó khăn, thách thức trong sản xuất, tiêu thụ cũng như biến đổi khí hậu.


Việc chuyển đổi còn tự phát


Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa rõ nét. Phần lớn người dân tự chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác, việc chuyển đổi còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Từ năm 2010 đến nay, diện tích chuyển đổi chỉ đạt 515ha. Nguyên nhân của việc chuyển đổi chậm là do người dân tự ý chuyển đổi, không theo quy hoạch, kế hoạch, chưa liên kết được với các doanh nghiệp. Đồng thời, việc trồng nhiều loại cây trên một cánh đồng với diện tích nhỏ lẻ, manh mún nên khó áp dụng cơ giới, ảnh hưởng đến việc chăm sóc, tưới tiêu. Từ đó năng suất cây trồng không cao, chất lượng sản phẩm thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

 

Chuyển đổi đất lúa sang trồng khoai sáp tại huyện Cam Lâm
Chuyển đổi đất lúa sang trồng khoai sáp tại huyện Cam Lâm


So sánh hiệu quả kinh tế giữa cây lúa và cây trồng hàng năm khác, lợi nhuận trên 1ha xếp theo thứ tự giảm dần là: ớt, lúa, tỏi, bắp, đậu phụng. Tuy cây ớt và cây tỏi cho doanh thu cao (ớt: 276 triệu đồng; tỏi: 300 triệu đồng) nhưng đòi hỏi nhiều vốn, kỹ thuật, thổ nhưỡng, công lao động nên khó chuyển đổi với quy mô lớn. Đối với cây đậu phụng và bắp, lợi nhuận tương đương cây lúa nhưng giải quyết được vấn đề tiết kiệm nước và giảm diện tích lúa bỏ vụ nên được xác định là định hướng chuyển đổi. Hiện nay, diện tích cây bắp 6.000ha, sản lượng 13.000 tấn; cây đậu phụng 390ha, sản lượng 780 tấn.


So sánh hiệu quả kinh tế giữa cây hàng năm và cây ăn quả, lợi nhuận trên 1ha giảm theo thứ tự: bưởi da xanh, xoài, sầu riêng, táo, mía, mì (bưởi da xanh: 261 triệu đồng/ha; xoài Úc 240 triệu đồng; mía 16 triệu đồng; mì 15 triệu đồng). Cây ăn quả cho doanh thu và thu nhập cao hơn nhiều lần so với cây hàng năm nhưng cũng đòi hỏi vốn, kỹ thuật cao. Thời gian qua, các ban, ngành, địa phương đã chú trọng phát triển cây ăn quả và mang lại hiệu quả khá ấn tượng. Diện tích cây xoài toàn tỉnh hơn 7.000ha, sản lượng 42.000 tấn; cây sầu riêng 514ha, sản lượng hơn 4.000 tấn; bưởi da xanh gần 300ha, sản lượng 2.400 tấn.


Xây dựng các vùng chuyên canh


Với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, xây dựng nông nghiệp giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo, tăng thu nhập, đề án chuyển đổi cây trồng hướng tới xây dựng các vùng chuyên canh đảm bảo chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, phục vụ xuất khẩu. Theo đó, tổng diện tích chuyển đổi cây trồng đến năm 2020 gần 3.500ha; bao gồm: gần 2.500ha đất lúa kém hiệu quả, không chủ động nước sang trồng cây hàng năm khác (trong đó có chuyển đổi 677ha đất lúa sang trồng bắp theo Quyết định 915/2016 của Thủ tướng Chính phủ), hơn 1.000ha diện tích đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; đồng thời xây dựng các vùng chuyên canh tỏi và cây ăn quả đặc sản.

 

Theo đề án, tổng kinh phí hỗ trợ chuyển đổi cây trồng hơn 48 tỷ đồng, gồm: 3,5 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ chuyển đổi trồng lúa sang trồng bắp (hỗ trợ giống LVN61 và PAC339; xây dựng 35 mô hình trình diễn, 35 lớp tập huấn; mua 35 máy làm đất, 35 máy gieo hạt, 35 máy tách hạt bắp); 44,5 tỷ đồng chuyển đổi hơn 1.000ha sang trồng cây ăn quả (cải tạo đất, hỗ trợ giống, vật tư, phân bón, tập huấn chuyển giao...).

Các giải pháp để thực hiện là: xây dựng quy hoạch, kế hoạch; vận dụng các chính sách của Nhà nước đang triển khai; ứng dụng khoa học công nghệ; thị trường, xúc tiến thương mại… Đến năm 2020, TP. Nha Trang sẽ có 150ha đất trồng lúa chuyển đổi sang các loại hình rau ăn lá, rau gia vị phục vụ thị trường du lịch; TP. Cam Ranh sẽ chuyển đổi 16ha đất lúa sang trồng ớt sừng và 180ha trồng cây ăn quả; thị xã Ninh Hòa 1.120ha và các huyện: Diên Khánh 200ha, Vạn Ninh 550ha, Cam Lâm 265ha, Khánh Vĩnh 114ha, Khánh Sơn 97ha chuyển đổi từ đất lúa sang các công thức luân canh lúa, màu phù hợp. Bên cạnh đó, sẽ hình thành các vùng chuyên canh cây tỏi và cây ăn quả. Dự kiến diện tích trồng tỏi của tỉnh đến năm 2020 là 600ha, sản lượng 4.200 tấn, tập trung tại Vạn Ninh và Ninh Hòa; diện tích cây ăn quả đạt 21.000ha, ưu tiên phát triển một số loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao có lợi thế như: xoài Úc, chuối, sầu riêng, bưởi da xanh…, tập trung tại Cam Ranh 180ha, Khánh Sơn 300ha và Khánh Vĩnh 800ha.


Theo bà Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT) hiện nay, ngành chức năng và các địa phương đang tập trung thực hiện đề án. Để đề án đạt hiệu quả, về lâu dài cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng và các địa phương.


V. L