10:10, 09/10/2016

Đẩy mạnh chăn nuôi an toàn

Theo cơ quan chuyên môn, đây là thời điểm Khánh Hòa vào mùa mưa, các loại gia súc, gia cầm dễ mắc bệnh hơn. Vì vậy, người nuôi và cơ quan chức năng cần tăng cường các giải pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Theo cơ quan chuyên môn, đây là thời điểm Khánh Hòa vào mùa mưa, các loại gia súc, gia cầm dễ mắc bệnh hơn. Vì vậy, người nuôi và cơ quan chức năng cần tăng cường các giải pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.


Xuất hiện dịch bệnh


Cuối tháng 9, một chuồng nuôi heo tại xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm xuất hiện dịch bệnh heo tai xanh. Theo lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh, sau quá trình xét nghiệm phát hiện heo tại chuồng nuôi này nhiễm bệnh dịch tả và tai xanh, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ 21 con heo. Cùng với đó, các biện pháp điều tra dịch tễ, đánh giá nguy cơ, vệ sinh tiêu độc khử trùng, đặt chốt cảnh báo… đã nhanh chóng được áp dụng. Đến ngày 9-10, khoảng 200 con heo ở khu vực lân cận đã được kiểm soát dịch tễ.

 

Hầu hết các chủ chăn nuôi heo quy mô lớn đã chú trọng an toàn chăn nuôi. (ảnh một trại heo ở xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh)
Hầu hết các chủ chăn nuôi heo quy mô lớn đã chú trọng an toàn chăn nuôi. (ảnh một trại heo ở xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh)


Cùng thời điểm trên, tại xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh, có 7 con bò của 5 hộ trên tổng đàn 9 con phát hiện nhiễm bệnh lở mồm long móng. Lực lượng thú y đã tiến hành kiểm tra, phun thuốc toàn bộ khu vực và giám sát liên tục để đánh giá nguy cơ cũng như áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời. Đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp nào nhiễm bệnh.


Theo cơ quan chức năng, đây là 2 ổ dịch xuất hiện nhỏ lẻ, rải rác và đã được khống chế kịp thời. Dịch heo tai xanh mới xuất hiện ở một hộ nuôi có quy mô nhỏ, chưa thực hiện tiêm phòng theo quy định, dịch bệnh khởi phát từ ổ dịch cũ. Với dịch bệnh lở mồm long móng trên bò tại huyện Khánh Vĩnh, những con bò này được nhập giống từ ngoại tỉnh thông qua một chương trình hỗ trợ bò, các điều kiện về an toàn vệ sinh thú y trong chăn nuôi chưa thật sự đảm bảo. Ngoài những nguyên nhân kể trên, theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, hiện nay, Khánh Hòa đã bước vào mùa mưa, độ ẩm trong không khí tăng. Đây là môi trường thích hợp để các loại vi rút, vi khuẩn có thời gian tồn tại lâu hơn. Ngược lại, mưa gió khiến cho sức đề kháng của vật nuôi bị giảm sút, vì vậy khả năng nhiễm bệnh của vật nuôi sẽ tăng lên. Chấp hành tốt các quy định về an toàn sinh học trong chăn nuôi là biện pháp tốt nhất nhằm kiểm soát dịch bệnh.


Chăn nuôi an toàn là then chốt


Theo cơ quan chức năng, hiện nay, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã phát triển theo hướng trang trại, gia trại; chăn nuôi nhỏ lẻ với quy mô vài chục con chỉ còn rải rác, không đáng kể. Điều đáng nói, khi quy mô chăn nuôi lớn, các giải pháp an toàn trong chăn nuôi được áp dụng một cách triệt để. Một chủ hộ nuôi heo ở xã Diên Lộc, huyện Diên Khánh cho biết: “Với quy mô hàng trăm con, gần như toàn bộ tài sản, vốn liếng của chúng tôi đều nằm trong các lứa heo đó. Vì vậy, hơn ai hết, chúng tôi phải tự bảo vệ mình bằng cách đáp ứng tốt các yêu cầu về an toàn trong chăn nuôi. Đặc biệt, mỗi lứa, chúng tôi tiêm phòng tới 14 loại bệnh. Ngoài các liều tiêm bắt buộc theo quy định của Nhà nước, chúng tôi còn tiêm phòng luôn các loại bệnh được khuyến cáo để con heo phát triển khỏe mạnh, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh có thể xảy ra”. Cùng quan điểm, một chủ nuôi trên 300 con heo thịt ở xã Cam Tân, huyện Cam Lâm khẳng định: “Khi xảy ra dịch bệnh, thiệt hại trước hết là người nuôi, mà thiệt hại thường rất lớn. Trong khi đó, việc tiêm phòng không chiếm chi phí quá nhiều so với giá trị của một lứa heo, hoạt động tiêm phòng cũng được tổ chức nhanh chóng, tiện lợi nên tất cả các lứa heo tại trại của chúng tôi đều được tiêm phòng đầy đủ”.


Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Thắng, an toàn sinh học là biện pháp giúp vật nuôi chống lại sự xâm nhập và gây hại của các tác nhân gây bệnh như: vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm độc… Để đạt được điều này, vật nuôi phải được chăm sóc nuôi dưỡng tốt. Bên cạnh đó, tuân thủ công tác vệ sinh phòng bệnh bao gồm: vệ sinh chuồng nuôi hàng ngày, định kỳ bằng nước và cơ giới sạch sẽ; dùng hóa chất sát trùng định kỳ ít nhất 1 lần/tuần; tổng vệ sinh toàn bộ khu vực chuồng trại trước và sau khi thả lứa mới. Ngoài việc tiêm vắc xin định kỳ, phù hợp, đầy đủ, người nuôi cần áp dụng nguyên tắc “cùng nhập cùng xuất”, đó là trong từng chuồng nuôi cùng nhập vào và cùng xuất bán, có thời gian bỏ trống chuồng để cắt đứt trung gian truyền bệnh, mầm bệnh bị tiêu diệt. Khi nhập đàn, gia súc cần nuôi ở khu cách ly ít nhất 14 ngày để theo dõi chăm sóc và khống chế kịp thời nếu gia súc mắc bệnh, tránh lây lan rộng trong trại… Hiện nay, các nguyên tắc chăn nuôi an toàn đã được đa số người nuôi áp dụng, tuân thủ, tuy nhiên vẫn còn một số hộ chăn nuôi, nhất là những hộ nhỏ lẻ trong những thời điểm nhất định vẫn chưa thực hiện tốt, cùng với điều kiện thời tiết không thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh lây nhiễm lên gia súc.


C.Đ