11:10, 03/10/2016

Cam Lâm: Thủy sản rớt giá

Các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đang đứng ngồi không yên khi cá chẽm, tôm thẻ chân trắng, ốc hương rớt giá.

Các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đang đứng ngồi không yên khi cá chẽm, tôm thẻ chân trắng, ốc hương rớt giá.


Trước đây, gia đình ông Lê Văn Minh (xã Cam Thành Bắc) thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên 4 đìa nuôi với diện tích hơn 1,5ha. Do tôm thường xuyên bị dịch bệnh, thiệt hại nhiều vụ nên ông chuyển đổi toàn bộ diện tích nuôi tôm sang nuôi cá chẽm. Ông Minh cho biết: “Cá chẽm dễ nuôi, ít dịch bệnh. Năm nay, gia đình tôi thả nuôi 3 đìa với 30.000 con cá giống. Mới đây, tôi xuất bán 1 đìa, sản lượng đạt hơn 8 tấn, 2 đìa còn lại ước sẽ thu được gần 20 tấn. Điều chúng tôi lo lắng là giá cá chẽm đang xuống thấp, chỉ còn khoảng 60.000 đồng/kg, đã vậy thương lái không muốn thu mua. Hiện nay, nhiều hộ nuôi cá chẽm trong vùng vẫn đang chờ giá lên, nhưng mùa mưa bão đang đến gần rất dễ bị thiệt hại”.

 

Giá ốc hương lao dốc khiến người nuôi ở huyện Cam Lâm lo lắng
Giá ốc hương lao dốc khiến người nuôi ở huyện Cam Lâm lo lắng


Nhiều hộ nuôi cá chẽm tại xã Cam Thành Bắc cho biết, năm 2012, giá cá đạt gần 90.000 đồng/kg; năm 2013, cá rớt giá chỉ còn 45.000 đồng/kg. Năm 2014, giá cá đạt mức kỷ lục, hơn 110.000 đồng/kg; năm 2015 xuống còn 85.000 đồng/kg và hiện chỉ còn 60.000 - 65.000 đồng/kg. Với sản lượng cá đang tồn rất lớn ở các ao đìa thì giá có nguy cơ tiếp tục xuống thấp.


Mấy ngày nay, ông Lê Văn Pha (xã Cam Thành Bắc) đứng ngồi không yên bởi trên địa bàn Cam Lâm xuất hiện mưa lớn, trong khi ốc hương là đối tượng nuôi khá nhạy cảm với thời tiết, ốc rất dễ bỏ ăn, chết hàng loạt; cùng với đó, giá ốc hương đang ở mức thấp. Ông Pha cho biết: “Ốc thả nuôi được 5, 6 tháng, bao nhiêu vốn liếng đổ vào các đìa nuôi nhưng ai ngờ giá ốc lại lao dốc như vậy. Hiện nay, ốc kích cỡ 150 con/kg chỉ có giá khoảng 120.000 đồng/kg (cách đây 3 tháng, giá ốc kích cỡ 150 con/kg có giá 200.000 đồng/kg). Với giá này, người nuôi từ hòa vốn đến thua lỗ, hộ nào tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi càng cao thì càng lỗ nặng”. Theo các hộ nuôi ốc, sở dĩ giá ốc hương lên xuống thất thường là do phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc.


Trong khi đó, tại vùng đìa Cửu Lợi (xã Cam Hòa), 3 năm trở lại đây, hầu hết các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng đã chuyển sang nuôi quảng canh, không nuôi theo quy mô công nghiệp như trước. Tuy nhiên, qua mấy vụ nuôi tôm gần đây, không ít người nuôi phải chịu thiệt hại do nắng nóng, khiến tôm chậm lớn, chết yểu và rớt giá. Theo ông Trần Thanh Trung (hộ thuê đìa nuôi tôm ở vùng đìa Cửu Lợi), vì tôm chết yểu, chậm lớn nên người nuôi buộc phải xuất bán sớm dù tôm có kích cỡ nhỏ. Chính vì thế, giá bán ra rất thấp, tôm sống chỉ bán được cho thương lái tiêu thụ nội địa, còn tôm chết bán làm thức ăn cho tôm hùm. Những hộ nuôi tôm đạt kích cỡ 100 con/kg, giá bán cũng chỉ được 100.000 - 105.000 đồng/kg, giảm khoảng 30.000 đồng/kg so với thời điểm này năm trước...


Qua tìm hiểu, một số thương lái chuyên thu mua tôm cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu cho biết, sở dĩ thời gian qua giá tôm thẻ chân trắng giảm mạnh là do tôm không đạt kích cỡ theo yêu cầu của doanh nghiệp, tôm càng nhỏ thì giá càng thấp. Trong khi đó, giá tôm đạt kích cỡ xuất khẩu cũng thấp do tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với các nước. Ngoài ra, việc Mỹ tăng thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam càng khiến cho áp lực cạnh tranh của con tôm Việt Nam càng gia tăng; điều này ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành tôm thương phẩm của người nuôi.


Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm, từ đầu năm đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của địa phương khoảng 377ha, trong đó có 97ha cá, 210ha tôm (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng), 45ha ốc hương… Các đối tượng nuôi tập trung chủ yếu ở các xã ven biển: Cam Hải Tây, Cam Hải Đông, Cam Hòa, Cam Đức và Cam Thành Bắc. Theo ông Nguyễn Ta - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thời gian qua, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện gặp khó khăn, khó đạt kế hoạch đề ra do ảnh hưởng của thời tiết nắng hạn, diện tích thả nuôi ít, một số hộ nuôi bị thiệt hại do thủy sản nuôi bị bệnh. Bên cạnh đó, việc các loại thủy sản như: cá chẽm, ốc hương, tôm thẻ chân trắng bị rớt giá do phụ thuộc vào thương lái đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả nuôi trồng thủy sản và đời sống của các hộ nuôi.


H. L