Những năm qua, cây keo đã cho thấy hiệu quả khi trồngtrên đất lâm nghiệp. Chính vì vậy, ở các địa phương miền núi, diện tích keo tăng nhanh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao có được đầu ra ổn định cho người trồng.
Những năm qua, cây keo đã cho thấy hiệu quả khi trồngtrên đất lâm nghiệp. Chính vì vậy, ở các địa phương miền núi, diện tích keo tăng nhanh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao có được đầu ra ổn định cho người trồng.
Diện tích keo tăng nhanh
Sau khi thu hoạch xong 2ha keo trồng trên đất đồi, tranh thủ có mưa, gia đình ông Hà Non (xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh) đã tìm mua cây giống về trồng để cây dễ phát triển. “Năm nay, tuy giá keo giảm khoảng 110.000 đồng/ster so với cuối năm 2015 nhưng nhiều hộ vẫn đầu tư trồng keo, bởi loại cây này không chỉ phủ xanh đồi trọc mà còn cho người dân thu nhập khá”, ông Non cho hay.
Người dân huyện Khánh Sơn trồng keo trên đồi dốc |
Ông Nguyễn Văn Huy (xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh) cho biết, hiện nay, giá keo nguyên liệu duy trì khoảng 1 triệu đồng/ster, nếu chăm sóc tốt có thể đạt 60 - 70 ster/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, người dân thu trung bình 30 - 40 triệu đồng/ha. Hiện nay, nhiều hộ ở Khánh Nam đã tập trung chăm sóc để keo đạt sản lượng cao nhất khi khai thác. Không chỉ vậy, những diện tích đất ở khu vực sườn đồi, có độ dốc cao, người dân cũng chuyển từ trồng bắp, mì sang trồng keo. Năm nay, gia đình ông Huy trồng thêm khoảng 1,5ha keo, nâng tổng số diện tích keo lên gần 5ha.
Theo ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, diện tích keo trên địa bàn huyện tăng nhanh trong thời gian qua. Đến nay, toàn huyện có khoảng 3.000ha keo, trong đó có khoảng 700ha đang ở độ tuổi khai thác. Hiện nay, nông dân huyện Khánh Vĩnh đang tích cực làm đất, mua giống trồng keo vụ mới năm 2016; diện tích keo được trồng mới gần 400ha, tập trung ở các xã: Cầu Bà, Khánh Phú, Khánh Thành, Khánh Thượng, Khánh Hiệp...
Tại huyện miền núi Khánh Sơn, người dân địa phương cũng đang tập trung xuống giống trồng rừng sản xuất năm 2016. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Những năm qua, cây keo đã cho hiệu quả trên đất lâm nghiệp. Diện tích keo trên địa bàn huyện tăng nhanh, nếu như năm 2010, toàn huyện chỉ có 440ha keo thì đến năm 2015, đã phát triển được 2.500ha keo. Năm nay, địa phương sẽ phát triển thêm 573ha, trong đó có 250ha trồng theo các chương trình do Nhà nước hỗ trợ, còn lại người dân tự đầu tư trồng”.
Cần đầu ra ổn định
Theo lãnh đạo các địa phương, trên đất đồi dốc (đất lâm nghiệp), việc canh tác cây mì kém hiệu quả so với trồng keo. Tuy nhiên, nếu trồng keo trên đất nông nghiệp thì hiệu quả khai thác, sử dụng đất không cao khi so sánh với các loại cây trồng khác như: mía, cây ăn quả… Chính vì vậy, các địa phương luôn khuyến cáo người dân chỉ trồng keo trên đất lâm nghiệp.
Theo ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp (Khánh Sơn), những năm trước, nhiều hộ không muốn trồng cây keo mặc dù địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động. Nguyên nhân chủ yếu là do thời gian trồng khá dài nhưng thu nhập không cao. Mặt khác, một số hộ có trồng nhưng khi gặp khó khăn lại đem bán keo non với giá rẻ, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số... “Việc phát triển rừng keo còn có ý nghĩa lớn về môi trường, giúp giữ nước. Điển hình như trong mùa khô hạn 2 năm nay, xã Sơn Hiệp không bị khô kiệt nguồn nước như một số địa phương khác là nhờ có diện tích rừng keo lớn. Ngoài ra, việc trồng keo, phát triển rừng sản xuất còn tạo sinh kế bền vững cho người dân miền núi, tránh được việc phá rừng làm rẫy. Vấn đề đặt ra là phải có doanh nghiệp đứng ra đầu tư, tổ chức thu mua keo cho người dân”, ông Chóng nói.
Cây keo lai giâm hom có nhiều ưu điểm vượt trội như: dễ trồng, phù hợp với nhiều loại đất, không ngại độ dốc, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, giá bán cây đứng tại rừng dao động từ 50 đến 60 triệu/ha (lãi bình quân 6 đến 10 triệu đồng/ha/năm). Ngoài ra, tốc độ sinh trưởng và khả năng cho sinh khối khá lớn, trung bình chu kỳ của cây keo lai giâm hom chỉ khoảng 4 năm có thể khai thác được. |
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết: “Cây keo được huyện Khánh Sơn xác định là cây lâm nghiệp mũi nhọn, vì phù hợp với đặc điểm địa hình đồi dốc. Thời gian gần đây, nhờ hiệu quả kinh tế cao nên rất hiếm hộ bán keo non. UBND huyện cũng chỉ đạo các địa phương giữ rừng keo non cho người dân. Bên cạnh đó, để tạo đầu ra ổn định và nâng cao giá bán keo, địa phương đã làm việc với các doanh nghiệp có thế mạnh trong thu mua keo nguyên liệu để họ liên kết trực tiếp với người trồng theo hướng ứng vốn đầu tư những năm đầu, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người dân trên địa bàn toàn huyện. Hiện nay, việc liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng keo đã được triển khai tại 2 xã Sơn Bình và Sơn Hiệp”.
Theo ông Lương Nguyễn Nhật Trường, việc phát triển cây keo lai được địa phương rất quan tâm, tìm biện pháp để đảm bảo hiệu quả cho người dân. Hiện nay, khó khăn lớn nhất là ở khâu tiêu thụ, bởi keo trên địa bàn được thu mua chủ yếu từ một số doanh nghiệp chế biến dăm gỗ xuất khẩu. Điều này dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu; khi đó có thể keo sẽ mất giá, việc bỏ keo chạy theo cây trồng khác rất dễ xảy ra. UBND huyện Khánh Vĩnh đã đề nghị các công ty thu mua nguyên liệu từ rừng trồng có chính sách đầu tư và hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ rừng trồng. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đến Khánh Vĩnh đầu tư xây dựng cơ sở thu mua và xây dựng nhà máy chế biến keo nguyên liệu để giúp người dân an tâm trồng rừng.
HẢI LĂNG