10:09, 27/09/2016

Phát triển thương hiệu gạo Ngọc Quang: Khó ở đầu ra

Mới đây, những bao gạo đầu tiên mang nhãn hiệu gạo Ngọc Quang của Hợp tác xã nông nghiệp 1 Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã được đưa ra thị trường.

Mới đây, những bao gạo đầu tiên mang nhãn hiệu gạo Ngọc Quang của Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) 1 Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã được đưa ra thị trường. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu; để duy trì, phát triển thương hiệu gạo chất lượng cao của Ninh Hòa vẫn còn là một quá trình khó khăn.


Thương hiệu gạo sạch hiếm hoi


Gạo Ngọc Quang được sản xuất và chế biến theo mô hình lúa chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Xây dựng mô hình sản xuất và chế biến lúa chất lượng cao theo hướng giảm thiểu dư lượng kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật nhằm phục vụ du lịch và tiêu dùng ở tỉnh Khánh Hòa”, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ thực hiện. Đề tài được tiến hành trong 3 năm (từ năm 2012 đến 2015). Qua khảo nghiệm, HTXNN 1 Ninh Quang đã chọn 2 giống lúa thơm chất lượng cao là OM 4900 và OM 7347 tiến hành sản xuất, chế biến. Vụ đông xuân vừa qua, HTX đã chế biến 7 tấn gạo và đưa ra thăm dò thị trường trong tỉnh.

 

Những bao gạo Ngọc Quang đầu tiên đóng bao tại Hợp tác xã nông nghiệp 1 Ninh Quang
Những bao gạo Ngọc Quang đầu tiên đóng bao tại Hợp tác xã nông nghiệp 1 Ninh Quang


Là loại gạo mới, được gieo trồng và chế biến theo quy trình sạch, với giá thành khoảng 11.000 đồng/kg, nhưng gạo Ngọc Quang gặp không ít khó khăn trong khâu tiếp thị người tiêu dùng. Theo ông Trần Nho - Phó Giám đốc HTXNN 1 Ninh Quang, Ninh Hòa là vùng đất trồng nhiều giống lúa, người dân quen dùng gạo giá rẻ nên giá gạo Ngọc Quang không cạnh tranh được với thị trường. Mặt khác, tuy HTX đã đảm bảo được một số yếu tố quan trọng ban đầu như: sản xuất theo quy trình tương đối nghiêm ngặt, không sử dụng hóa chất, không đưa nitrat vào đồng ruộng…, nhưng hiện nay, gạo Ngọc Quang chưa tiêu thụ được mạnh là do hệ thống máy móc trong khâu chế biến của HTX vẫn còn chắp vá, chưa có công đoạn đánh bóng nên nhìn hạt gạo không đẹp bằng nhiều loại gạo khác trên thị trường. Trong khi nguồn vốn đầu tư của HTX còn hạn chế, muốn có hệ thống đánh bóng gạo phải cần khoảng 300 triệu đồng. Vấn đề bao bì, mẫu mã cũng là một nguyên nhân. Do chưa được đầu tư thích đáng nên bao bì còn in theo lối thủ công, chưa bắt mắt.


Để gạo Ngọc Quang đi xa


Có thể nói, khi nhãn hiệu gạo Ngọc Quang vẫn chỉ dừng lại ở phạm vi kết quả của một đề tài nghiên cứu khoa học thì thị trường tiêu thụ sản phẩm vẫn còn hạn chế. Vì vậy, dù đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận độc quyền nhãn hiệu từ ngày 18-2-2016, nhưng gạo Ngọc Quang vẫn chưa thể đi xa. Ông Nguyễn Công Nghiệp - thành viên Hội đồng quản trị HTXNN 1 Ninh Quang bày tỏ: “Chúng tôi rất mong được các cơ quan hỗ trợ trong việc quảng bá sản phẩm ra thị trường để người dân tiếp cận được sản phẩm sạch”. Ông Nguyễn Văn Bình, nông dân đội 8 - thôn Thạch Thành, xã Ninh Quang cũng trăn trở: “Nông dân chúng tôi muốn làm giống lúa mới, tiêu thụ sản phẩm sạch nhưng phải có đầu ra, làm sao để đưa thương hiệu lúa ra ngoài vùng sản xuất”.


Ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa khẳng định: “Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục hỗ trợ HTXNN Ninh Quang. Hiện nay, tỉnh cũng có những chương trình nghiên cứu với Đại học Cần Thơ để tiếp tục đưa ra những giống lúa mới, trên cơ sở đó tiếp tục duy trì phát triển thương hiệu Ngọc Quang - lúa chất lượng cao hiện nay của Ninh Hòa. Hướng tới là sẽ tổ chức dự án sản xuất thử nghiệm, sản xuất ở quy mô lớn hơn, đảm bảo chất lượng cao hơn, đồng thời giảm được giá thành để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Bên cạnh đó, cần quảng bá nhãn hiệu gạo Ngọc Quang đến cộng đồng, qua các hội chợ, triển lãm… Tỉnh cũng đã có chương trình phát triển thương hiệu dưới dạng hỗ trợ các đơn vị xây dựng dự án, thuê các nhà tư vấn, các đơn vị chuyên nghiệp để làm về maketting, thị trường, đặc biệt là quảng bá những nhãn hiệu đã được chứng nhận”.


Về phía HTXNN 1 Ninh Quang - chủ sở hữu nhãn hiệu cũng phải chủ động trong công tác tuyên truyền, quảng bá nhãn hiệu, xây dựng uy tín, chất lượng sản phẩm, xây dựng chuỗi phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng. Với sự hỗ trợ của tỉnh và các sở, ngành chức năng, thời gian tới, HTXNN 1 Ninh Quang cần tiến hành đăng ký kiểm định chất lượng sản phẩm, khẳng định chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu lúa Ninh Hòa - Khánh Hòa. Trên cơ sở đó, mở rộng địa bàn tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.


LIÊN MINH