Được xác định là vùng kinh tế trọng điểm phía nam của tỉnh Khánh Hòa, nhưng nhiều năm qua, ngành công nghiệp TP. Cam Ranh vẫn chưa có bước đột phá để phát triển.
Được xác định là vùng kinh tế trọng điểm phía nam của tỉnh Khánh Hòa, nhưng nhiều năm qua, ngành công nghiệp TP. Cam Ranh vẫn chưa có bước đột phá để phát triển.
Gỡ khó cho Khu công nghiệp Nam Cam Ranh
10 năm trước, ngày 21-8-2006 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2020. Theo quy hoạch này, KCN Nam Cam Ranh có diện tích hơn 200ha. Ngày 20-3-2009, Ban quản lý Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong đã cấp giấy chứng nhận đầu tư KCN Nam Cam Ranh cho Công ty Công nghiệp tàu thủy Nha Trang, nay là Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Cam Ranh (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy) làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN. Theo đó, KCN Nam Cam Ranh có địa điểm tại xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh, có tổng diện tích 203ha. Dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 980 tỷ đồng, cuối năm 2011 sẽ đi vào hoạt động. Nguồn vốn được bố trí từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa triển khai các thủ tục thực hiện dự án.
Một góc Cảng Cam Ranh |
Theo hồ sơ của Ban quản lý KKT Vân Phong, ngày 8-6-2011, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo Ban quản lý KKT Vân Phong thu hồi Dự án KCN Nam Cam Ranh. Ngày 10-6-2011, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có ý kiến đề nghị chưa thu hồi dự án. Ngày 17-6-2011, Văn phòng Chính phủ có công văn đề nghị UBND tỉnh chưa thu hồi dự án, tạo điều kiện để Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam tái cơ cấu theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngày 5-3-2013, UBND tỉnh có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét Đề án Điều chỉnh quy hoạch các KCN của tỉnh, trong đó đề xuất thu hồi giấy chứng nhận đầu tư Dự án Đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Nam Cam Ranh của Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Cam Ranh. Tuy nhiên, Thủ tướng chưa xem xét nội dung này. Ban quản lý KKT Vân Phong cũng thường xuyên yêu cầu chủ đầu tư báo cáo tình hình thực hiện dự án này nhưng chủ đầu tư không có báo cáo.
Ngày 7-7, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép UBND tỉnh thực hiện thủ tục chấm dứt và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Cam Ranh để tìm nhà đầu tư khác có kinh nghiệm và năng lực tài chính thực hiện dự án. Trong văn bản nêu rõ: “Đây là dự án hoạt động kinh doanh bất động sản phục vụ cho địa phương thu hút phát triển các ngành công nghiệp khác nhau, không chỉ riêng cho ngành đóng tàu. Việc triển khai thực hiện chậm tiến độ trong thời gian dài đã vi phạm các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và ảnh hưởng đến việc thực hiện quy hoạch KCN Nam Cam Ranh đã được phê duyệt, gây ảnh hưởng khó khăn cho việc thu hút đầu tư nói riêng cũng như hạn chế sự phát triển của vùng Cam Ranh nói chung”.
Công nghiệp còn nhỏ lẻ
Trong khi chờ tháo gỡ vướng mắc cho KCN Nam Cam Ranh, UBND tỉnh đã đồng ý cho phép xây dựng Cụm công nghiệp (CCN) Cam Ranh ở khu vực giáp ranh giữa xã Cam Thịnh Đông và xã Cam Thịnh Tây (TP. Cam Ranh) nhằm thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển công nghiệp khu vực này. CCN Cam Ranh có tổng diện tích 50ha, trong đó có 7,5ha thuộc địa bàn xã Cam Thịnh Tây. Theo lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh, hiện nay, Công ty Kim Cương (TP. Hồ Chí Minh) đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép làm chủ đầu tư Dự án CCN Cam Ranh để đầu tư kinh doanh hạ tầng tại đây. Hiện nay, UBND TP. Cam Ranh đang tiến hành đo đạc, đền bù giải phóng mặt bằng.
Khu vực tại xã Cam Thịnh Đông được nhiều nhà đầu tư chọn xin thực hiện nhà máy điện mặt trời |
Bên cạnh đó, thời gian gần đây xuất hiện nhiều nhà đầu tư xin triển khai dự án điện mặt trời tại khu vực xã Cam Thịnh Đông và Cam Thịnh Tây. Vấn đề này lãnh đạo UBND tỉnh đã có khảo sát, đánh giá rất thận trọng trong việc cấp giấy phép đầu tư. Trong cuộc họp mới đây, đồng chí Lê Đức Vinh đã chỉ đạo Sở Công Thương rà soát địa điểm để bổ sung điện năng lượng mặt trời vào quy hoạch điện lực của tỉnh giai đoạn 2016 - 2025. Trên cơ sở quy hoạch này, cho phép các nhà đầu tư tiến hành nghiên cứu, đề xuất phương án thực hiện.
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, hiện ngành công nghiệp địa phương chậm phát triển. Ngoài Nhà máy nước giải khát cao cấp Yến sào Cam Thịnh, hay Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Cam Ranh mới khởi sắc trở lại hơn một năm nay thì công nghiệp ở Cam Ranh hầu như chỉ nhỏ lẻ, manh mún. Ông Nguyễn Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, hiện ở Cam Ranh chủ yếu là chế biến dăm gỗ, thủy sản xuất khẩu và một số ngành tiểu thủ công nghiệp khác. Đa số các cơ sở sản xuất công nghiệp chủ yếu góp phần giải quyết lao động chứ chưa đóng góp nhiều vào sự phát triển kinh tế địa phương, tạo động lực rõ rệt để kinh tế Cam Ranh đi lên.
“Để công nghiệp Cam Ranh phát triển, bên cạnh đầu tư phát triển các dự án mang tính động lực, thời gian tới cần tăng cường quảng bá, kêu gọi đầu tư các dự án sử dụng nguồn nguyên liệu và lao động dồi dào ở địa phương như: chế biến sản phẩm từ dăm gỗ, chế biến thủy sản, giày da - may mặc… Ngoài ra, cần phát triển các ngành nghề mới trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, vận động doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, liên kết với doanh nghiệp ngoài tỉnh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh…”, ông Hải chia sẻ.
NHẬT THANH