11:09, 04/09/2016

Khánh Vĩnh: Khó khăn xây dựng cánh đồng lớn

Do đặc thù địa hình, diện tích nhỏ hẹp và thiếu doanh nghiệp liên kết tiêu thụ nông sản nên huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) vẫn chưa xây dựng được cánh đồng lớn.

Do đặc thù địa hình, diện tích nhỏ hẹp và thiếu doanh nghiệp (DN) liên kết tiêu thụ nông sản nên huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) vẫn chưa xây dựng được cánh đồng lớn.


Ngày 9-9-2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2488 với nội dung ưu đãi, hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn. Thực hiện quyết định này, UBND huyện Khánh Vĩnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương trên địa bàn triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, huyện Khánh Vĩnh vẫn chưa có tổ chức, cá nhân nào đứng ra liên doanh, liên kết thực hiện xây dựng cánh đồng lớn.

 

Cánh đồng mía tại xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh
Cánh đồng mía tại xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh

 

Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng NN-PTNT huyện giải thích, Khánh Vĩnh có diện tích đất nông nghiệp hầu hết là đất đồi núi, độ dốc cao, cây trồng chủ yếu là bắp, mì, mía, keo…, một số đất bằng trồng được lúa nước và các loại cây ăn quả. Nông sản hiện nay chủ yếu bán cho thương lái nên giá cả có sự chênh lệch và chưa được bình ổn. Mặt khác, hạ tầng kinh tế - kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất còn yếu và thiếu, nhất là hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, đường vào khu sản xuất... Bên cạnh đó, tiềm lực kinh tế và trình độ sản xuất kinh doanh của nông dân, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số chưa đủ sức phát triển thành các tổ chức có sức liên kết mạnh như hợp tác xã. Do đó, sức hấp dẫn các dự án nông nghiệp, thu hút DN, nhà đầu tư liên kết, liên doanh còn gặp nhiều khó khăn.


Được biết, cánh đồng lớn thuận lợi cho DN liên doanh, liên kết tiêu thụ nông sản hiện nay là cây lúa, nhưng với địa hình chia cắt, không có cánh đồng nào đủ lớn, diện tích tới 100ha nên Khánh Vĩnh rất khó xây dựng cánh đồng lớn. Hiện nay, 100% cánh đồng trên địa bàn huyện đều nhỏ hẹp, nguồn nước bấp bênh. Trên địa bàn huyện đã thành lập được 7 tổ hợp tác liên kết sản xuất, gồm: 1 tổ hợp tác sản xuất lúa nước ở Khánh Trung; 2 tổ hợp tác sản xuất cây ăn quả ở Sông Cầu và Khánh Đông; 2 tổ hợp tác sản xuất mía đường, 1 tổ hợp tác trồng đu đủ và sầu riêng ở Khánh Nam; 1 tổ hợp tác chăn nuôi heo ở Khánh Đông. Các tổ hợp tác này chủ yếu do Hội Nông dân thành lập nên tiềm lực, trình độ, quy mô còn nhỏ. Ngoài ra, trên địa bàn có 2 DN là Công ty TNHH Một thành viên Đường Biên Hòa - Ninh Hòa và Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa đang thực hiện liên kết đầu tư giống, vật tư, tiêu thụ mía đường nhưng chưa có kế hoạch phát triển thành cánh đồng lớn. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng được đề án cây trồng chủ lực, xác định 4 loại cây trồng chính là bưởi da xanh, sầu riêng, mít, xoài. Tuy định hướng phát triển 4 cây trồng trên theo hướng cánh đồng lớn gắn với DN, nhưng đến nay huyện vẫn chưa xác định được DN nào có liên kết đầu tư.


Hiện tại, diện tích cây mía đường trên toàn huyện gần 1.700ha, trong đó diện tích tập trung từ 20ha trở lên có tổng 555ha tại 13 điểm trên địa bàn. UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, xem xét, hướng dẫn các DN mía đường trên địa bàn có kế hoạch đầu tư thành vùng dự án cánh đồng lớn có đầy đủ hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, cung cấp giống, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Có như vậy, Khánh Vĩnh mới thực hiện được cánh đồng lớn theo chỉ đạo của tỉnh.


 “Lâu nay, các công ty đường đã cung cấp giống, vật tư, thu mua mía. Tuy nhiên, để xây dựng được cánh đồng lớn, các đơn vị cần quan tâm quy hoạch những khu vực thành cánh đồng lớn, đầu tư hệ thống tưới, đưa năng suất lên 80 - 100 tấn/ha. Những năm gần đây, giá mía không tăng nhưng vẫn ổn định, vì thế để tăng thu nhập cho nông dân cần phải tăng năng suất… Muốn như vậy, phải có sự tham gia của DN, Nhà nước sẽ hỗ trợ theo chính sách”, ông Thuận nói.


V.L

 




 - Theo Quyết định 2488, đối với DN: hỗ trợ tối đa 50% kinh phí tổ chức đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất nông sản theo hợp đồng; hỗ trợ miễn tiền thuê đất; hỗ trợ một phần kinh phí quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp.


- Đối với đại diện nông dân: hỗ trợ tối đa 30% trong năm đầu và 20% năm thứ 2 chi phí thực tế về thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê máy để thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật chung cho các thành viên; hỗ trợ một lần tối đa 50% kinh phí tổ chức tập huấn cán bộ; hỗ trợ tối đa 100% kinh phí tổ chức tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất nông sản theo hợp đồng; hỗ trợ miễn tiền thuê đất.


- Đối với nông dân: hỗ trợ một lần tối đa 30% chi phí mua giống cây trồng có phẩm cấp chất lượng từ giống xác nhận trở lên; hỗ trợ 100% kinh phí lưu kho tại DN trong thời hạn tối đa 3 tháng khi Chính phủ thực hiện chủ trương tạm trữ nông sản.