12:09, 20/09/2016

Khánh Sơn: Tìm đầu ra cho nông sản

Năm 2016, nhiều loại nông sản trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đều được giá. Tuy nhiên, việc tiêu thụ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái nên không ổn định. Vì thế, địa phương đang nỗ lực tìm đầu ra ổn định cho nông sản.

Năm 2016, nhiều loại nông sản trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đều được giá. Tuy nhiên, việc tiêu thụ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái nên không ổn định. Vì thế, địa phương đang nỗ lực tìm đầu ra ổn định cho nông sản.


Nông sản tăng giá…


Theo thống kê của UBND huyện Khánh Sơn, hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 2.100ha cây ăn quả (sầu riêng, chôm chôm, chuối, hồ tiêu), 350ha mía tím. Trong đó, diện tích sầu riêng, chôm chôm, hồ tiêu đang cho thu hoạch khoảng 446ha. Năm 2016, mía tím và hầu hết các loại cây ăn quả của địa phương đều được giá so với mấy năm gần đây. Riêng sầu riêng, năm nay vừa được giá vừa được mùa. Nhờ đó, nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả chục tỷ đồng từ sản xuất nông nghiệp.

 

1
Thu hoạch sầu riêng tại huyện Khánh Sơn


Ông Võ Như Kiên, người trồng chuối tại xã Thành Sơn cho biết: “So với mọi năm, sản lượng chuối của gia đình tôi tuy có giảm nhưng bù lại giá bán cao nên thu nhập cũng cao hơn. Năm nay, thương lái thu mua chuối với giá từ 4.000 đến 6.000 đồng/kg, có thời điểm tăng vọt đến 8.000 đồng/kg, nhưng gia đình không có đủ chuối để bán”.


Có lẽ vui nhất là những người trồng sầu riêng, vì sầu riêng Khánh Sơn năm nay vừa được mùa lại được giá. “Tôi trồng sầu riêng xen canh với cà phê. Tuy đây không phải là cây trồng chủ lực của gia đình, nhưng năm nay nhờ sản lượng tăng và giá bán cao gần gấp đôi năm ngoái nên gia đình cũng thu được khoảng 100 triệu đồng từ sầu riêng”, một nông hộ tại thị trấn Tô Hạp vui mừng chia sẻ.


... nhưng phụ thuộc vào thương lái


Ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, những năm gần đây, việc trồng trọt, chăn nuôi của người dân trên địa bàn huyện đã có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh tăng năng suất. Chỉ tính riêng năm 2016, sản lượng sầu riêng toàn huyện đạt hơn 2.300 tấn, chuối 3.380 tấn, mía tím hơn 14.230 tấn, hồ tiêu 83 tấn... “Tuy nhiên đến nay, chưa có doanh nghiệp nào đứng ra thu mua các mặt hàng nông sản của Khánh Sơn. Do đó, vấn đề tiêu thụ vẫn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thương lái, rất bấp bênh, không ổn định. Mặc dù nhiều loại nông sản tăng giá nhưng cũng chỉ mang tính nhất thời. Nguyên nhân chính là do một số thương lái thu mua trái cây của Khánh Sơn với số lượng lớn để xuất khẩu. Do họ cạnh tranh nhau nên giá thu mua mới đội lên. Ngoài ra, còn do các tỉnh miền Nam bị mất mùa trái cây do hạn hán và ngập mặn”, ông Sửu nói.

 

Thương lái thu mua chuối Khánh Sơn
Thương lái thu mua chuối Khánh Sơn


Do không nắm bắt được thị trường, mạnh ai nấy làm nên những người trực tiếp làm ra sản phẩm Khánh Sơn chưa bao giờ được quyết định về giá bán. Ông Mấu Văn Lịch (tổ dân phố Hạp Cường, thị trấn Tô Hạp) chia sẻ: “Gia đình tôi trồng mía mấy năm nay. Cứ gần đến vụ thu hoạch là thương lái đến hỏi đặt hàng trước. Họ cứ ước lượng theo đám tốt, đám xấu để trả giá. Chúng tôi không nắm bắt được giá cả thị trường nên họ nói sao thì biết vậy”.


Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, những năm qua, huyện đã tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các mặt hàng nông - lâm sản của địa phương. Nhưng đến nay, mới chỉ có một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Chế biến dăm gỗ Đại Thắng (TP. Cam Ranh) ký kết hợp đồng tiêu thụ keo cho người dân tại các xã: Sơn Bình, Sơn Hiệp và số hộ tham gia ký kết hợp đồng cũng chưa nhiều.


Thành lập hợp tác xã


Theo ông Hiếu, thời gian qua, trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã hình thành các tổ liên kết trồng trọt, chăn nuôi nhằm hỗ trợ nhau về khoa học kỹ thuật, nguồn vốn, cây con giống và đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế hoạt động rõ ràng, cụ thể nên phần lớn những tổ liên kết này hoạt động chưa hiệu quả, nhất là việc tiêu thụ sản phẩm vẫn mạnh ai nấy làm.


Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm phát triển sản xuất, có đầu ra ổn định cho nông sản, huyện Khánh Sơn có định hướng thành lập các hợp tác xã (HTX) trồng sầu riêng, chuối và mía tím. “Mục đích của việc thành lập các HTX là tổ chức việc sản xuất của người dân theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Đồng thời, HTX sẽ đại diện cho các xã viên tìm hiểu thị trường và đứng ra ký kết tiêu thụ sản phẩm lâu dài với các đơn vị, doanh nghiệp; từng bước hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp”, ông Sửu nói.


Để tiến tới thành lập các HTX, huyện Khánh Sơn đã triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản địa phương. Cùng với đó, kiện toàn, củng cố lại hoạt động của Ban quản lý thương hiệu sầu riêng nhằm quản lý, nâng cao chất lượng thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn. Tuy nhiên, để các HTX sau khi thành lập hoạt động có hiệu quả, huyện Khánh Sơn đã kiến nghị các cấp, ngành hỗ trợ các HTX trong việc tổ chức đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, cách thức hoạt động cũng như phương thức quản lý, điều hành của các địa phương khác. Đồng thời, tạo điều kiện, hỗ trợ địa phương tổ chức các buổi giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp của nông dân tại Nha Trang để đông đảo khách hàng, du khách được biết.


Ông Trương Hữu Lan - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh nhận định: Để nền sản xuất nông nghiệp Khánh Sơn phát triển bền vững, việc thành lập các HTX trồng trọt, chăn nuôi và liên kết với các doanh nghiệp là điều cần thiết. Với điều kiện sản xuất thực tế hiện nay của người dân, Khánh Sơn nên thành lập HTX sản xuất tiêu sạch (với sản lượng khoảng 150 tấn/năm), HTX trồng cây ăn quả và HTX trồng mía tím. “Chi cục sẽ làm tờ trình đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào kế hoạch thực hiện năm 2017. Về nguồn nhân lực, chi cục sẽ xin tỉnh một biên chế để hỗ trợ Khánh Sơn thành lập HTX cũng như việc tổ chức hoạt động, điều hành HTX”, ông Lan nói.


ĐINH LUẬN