11:09, 13/09/2016

Kỳ 2: Dự án cánh đồng lớn gặp khó

Để có sự hiện diện của doanh nghiệp trong đầu tư, phát triển nông nghiệp, nông thôn, điều kiện tiên quyết là quy mô sản xuất, nuôi trồng phải đủ lớn. Vì vậy, chủ trương xây dựng cánh đồng lớn đã được khuyến khích bằng những quyết sách cụ thể. Tuy nhiên, ở Khánh Hòa, hoạt động này vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Để có sự hiện diện của doanh nghiệp (DN) trong đầu tư, phát triển nông nghiệp, nông thôn, điều kiện tiên quyết là quy mô sản xuất, nuôi trồng phải đủ lớn. Vì vậy, chủ trương xây dựng cánh đồng lớn đã được khuyến khích bằng những quyết sách cụ thể. Tuy nhiên, ở Khánh Hòa, hoạt động này vẫn đang gặp nhiều khó khăn.


Chính sách chưa đủ hấp dẫn


Tháng 10-2013, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 62 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10-12-2013 này chính là sợi dây được kỳ vọng sẽ kết chặt hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, hay nói cách khác chính là sự hợp tác giữa người nông dân với DN mà mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cũng như thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp mang tính hàng hóa.

 

Dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ tỏi dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020
Dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ tỏi dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020


Để cụ thể hóa những ưu đãi của Nhà nước theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 9-9-2015, UBND tỉnh ra Quyết định số 2488 ban hành nội dung ưu đãi, hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, khi tham gia đầu tư xây dựng cánh đồng lớn, có 3 đối tượng được ưu đãi gồm: DN, tổ chức đại diện nông dân và người nông dân. Tùy vào từng đối tượng, các chính sách ưu đãi được áp dụng như: miễn, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, chi phí tập huấn, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật… Đây đều là những mức hỗ trợ tương đối lớn dành cho các tổ chức, cá nhân khi đầu tư xây dựng cánh đồng lớn. Tuy nhiên, để được thụ hưởng các chính sách này lại là việc không dễ dàng bởi các điều kiện đưa ra khá ngặt nghèo.


Theo đó, Quyết định số 2488 quy định rõ điều kiện để được coi là cánh đồng lớn bao gồm: cánh đồng lớn phải có diện tích sản xuất liền vùng, liền thửa, có điều kiện tương tự để sản xuất cùng một loại nông sản và đạt diện tích tối thiểu được quy định cụ thể cho từng loại cây trồng. Trong đó bao gồm: cây lâu năm, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày (cây mía) có tổng diện tích tối thiểu 20ha; cây lương thực (lúa, bắp, đậu, mì...) có tổng diện tích tối thiểu 15ha; cây rau có tổng diện tích tối thiểu 10ha. Đây là diện tích liền vùng, liền thửa quá lớn khi mà bức tranh nông nghiệp chung của toàn tỉnh vẫn còn mang dấu ấn đậm nét của những ô thửa nhỏ bé, rất khó để có thể huy động được hàng chục héc-ta đất đáp ứng điều kiện này.


Chưa thu hút được doanh nghiệp


Hiện nay, các DN xây dựng cánh đồng lớn bằng cách ký kết, thỏa thuận hợp đồng với người dân sở hữu đất trong khu vực dự án. Nhưng với tình trạng đất đai nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay, nhiều khi một dự án chỉ vỏn vẹn 20ha đất nhưng lại liên quan tới hàng trăm hộ nông dân. Làm thế nào để tìm được tiếng nói chung giữa DN và các hộ này là điều mà hầu như DN nào cũng… ngán.

 

Ảnh: Vương Mạnh Cường
Ảnh: Vương Mạnh Cường


Thực tế cũng có những mô hình liên kết trong sản xuất - tiêu thụ manh nha hình thành. Chẳng hạn như một số hợp tác xã nông nghiệp ở Diên Khánh đã liên kết với một DN giống cây trồng ở Ninh Thuận để cung ứng hàng năm 5.000 tấn lúa giống. Tuy nhiên, các hợp tác xã này lại phải liên kết với rất nhiều thành viên mới có thể đáp ứng được sản lượng lớn như vậy, điều này khiến cho việc kiểm soát chất lượng bị ảnh hưởng, nhất là mức độ đồng đều của sản phẩm. Ngoài ra, còn có một số liên kết như: liên kết tiêu thụ rau an toàn giữa Siêu thị Co.opMart với vùng rau Ninh Đông, Ninh Hòa; liên kết tiêu thụ xoài Úc giữa người trồng xoài Cam Lâm với Công ty EMU, liên kết giữa 2 nhà máy đường với người trồng mía… Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, do quy mô nhỏ, số hộ sản xuất nhiều, nên mối liên kết giữa DN và người nông dân chưa bền vững; hoạt động sản xuất của nông dân vẫn còn thiếu chuyên nghiệp, chủ yếu theo kinh nghiệm, bán theo thời vụ, ít tuân thủ các hợp đồng đã ký kết… Vì thế, hầu hết các mối liên kết trên đều đứng trước nhiều thách thức, mong manh, có thể đứt gãy bất kỳ lúc nào. Trên thực tế đã có không ít mối liên kết bị vỡ khiến DN lao đao. Điều này khiến cho những DN khác e ngại khi tiếp xúc với lĩnh vực nông nghiệp.


Chính vì vậy, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, sở đã gửi các địa phương góp ý và đăng ký danh mục dự án. Tuy nhiên, do không xác định được DN hoặc tổ chức đại diện nào của nông dân tham gia liên kết, nên toàn tỉnh không có dự án nào được đăng ký.


Đâu là lời giải?


Gần đây nhất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất 8 dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản với tổng diện tích dự kiến lên tới 267ha. Trong số 8 dự án này, ngoài 2 dự án xây dựng cánh đồng mía lớn của Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa tỏ ra có nhiều khả năng thực thi, phần còn lại đang gặp những khó khăn nhất định.


Theo cơ quan chức năng, để thu hút hơn nữa sự quan tâm của DN, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình UBND tỉnh điều chỉnh Quyết định số 2488 theo hướng có lợi hơn cho DN. Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, điều mà họ quan tâm nhất là mong muốn Nhà nước giao đất để DN đầu tư thay vì phải tự tiến hành thỏa thuận với nông dân, một quá trình rất tốn kém thời gian, tiền bạc và mức độ thành công không cao. Đây chính là khâu quan trọng nhất và được coi là yếu tố khiến cho quá trình xây dựng cánh đồng lớn chưa thực sự thu hút được DN.


Có lẽ, chỉ khi giải được bài toán này, chặng đường đến với những cánh đồng lớn hiện đại, năng suất cao và mang đậm tính hàng hóa mới có thể được triển khai một cách có hiệu quả.


HỒNG ĐĂNG

 

Kỳ 1: Ưu đãi lớn, doanh nghiệp vẫn lạnh nhạt