Để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Nhà nước đã đưa ra những chính sách ưu đãi mang tính khuyến khích, hỗ trợ. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm kể từ khi chính sách này có hiệu lực, các doanh nghiệp ở Khánh Hòa vẫn không mặn. Vậy đâu là nguyên nhân?
Kỳ 1: Ưu đãi lớn, doanh nghiệp vẫn lạnh nhạt
Để kêu gọi các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Nhà nước đã đưa ra những chính sách ưu đãi mang tính khuyến khích, hỗ trợ. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm kể từ khi chính sách này có hiệu lực, các DN ở Khánh Hòa vẫn không mặn. Vậy đâu là nguyên nhân?
Nhiều ưu đãi
Nghị định 210/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực thi hành từ ngày 10-2-2014. Đây là một quyết sách quan trọng nhằm thúc đẩy, khuyến khích các DN tìm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ở đó, nhà đầu tư khi xây dựng vùng nguyên liệu mà có hợp đồng liên kết sản xuất nguyên liệu ổn định với người dân được ưu tiên xem xét ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Tùy vào quy mô, tính chất của dự án, DN sẽ được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; được hỗ trợ thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân; được miễn, giảm tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất và được hỗ trợ tối đa trong quá trình đầu tư, bao gồm: đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học công nghệ. Ngoài ra, ở những lĩnh vực đặc biệt ưu tiên khuyến khích đầu tư, chẳng hạn như: đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; cơ sở chăn nuôi gia súc; trồng cây dược liệu, cây mắc ca; nuôi trồng hải sản trên biển; cơ sở sấy lúa, bắp, khoai, sắn, sấy phụ phẩm thủy sản, chế biến cà phê; cơ sở chế tạo, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản…, các DN còn được Nhà nước hỗ trợ một phần không nhỏ cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, điện, nước.
Ký kết ghi nhớ tiêu thụ nông sản giữa nhà nông và doanh nghiệp |
Đơn cử như một DN khi đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc, chỉ cần đáp ứng các điều kiện, bao gồm: phù hợp với quy hoạch, có quy mô chăn nuôi thường xuyên tập trung từ 1.000 con trở lên đối với lợn thịt; hoặc từ 500 con trở lên đối với trâu, bò, dê, cừu thịt; hoặc từ 200 con đối với bò thịt cao sản nhập ngoại; hoặc từ 500 con đối với bò sữa cao sản; bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; sử dụng tối thiểu 30% lao động tại địa phương thì ngoài những ưu đãi về đất đai, thuế, DN còn được Nhà nước hỗ trợ 3 tỷ đồng/dự án. Riêng đối với chăn nuôi bò sữa cao sản, mức hỗ trợ là 5 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng, đồng cỏ và mua thiết bị. Trường hợp dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào dự án thì DN được hỗ trợ 70% chi phí và không quá 5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các hạng mục trên. Chưa hết, dự án còn được Nhà nước hỗ trợ tới 40% chi phí nhập giống gốc đối với dự án nhập giống gốc cao sản vật nuôi.
Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà?
Theo danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp và nông thôn ban hành kèm theo Nghị định 210, có tới 19 lĩnh vực đầu tư được nhắc đến đã bao hàm hầu như tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà DN có thể tham gia đầu tư. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho đến thời điểm này, tại Khánh Hòa chưa có DN nào đăng ký dự án để được hỗ trợ theo Nghị định 210. Nguyên nhân mà lãnh đạo Sở KH-ĐT đưa ra là do dự án không đáp ứng các điều kiện để được hỗ trợ về sự phù hợp quy hoạch, quy mô diện tích, công suất, yêu cầu về bảo vệ môi trường, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tỷ lệ lao động địa phương được sử dụng… hoặc các ưu đãi theo Nghị định 210 chưa thực sự đủ hấp dẫn để khuyến khích các DN.
Thu hoạch xoài Úc tại huyện Cam Lâm |
Còn theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoạt động đầu tư vào nông nghiệp nhìn chung chưa mang lại hiệu quả cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro nên chưa thu hút được sự quan tâm của các DN. Đó là chưa kể một số địa phương vẫn còn lúng túng, chưa xác định được cây trồng chủ lực, mô hình kinh tế hiệu quả để tiến hành liên kết với DN. Một nguyên nhân khác là không ít người dân ngại thay đổi thói quen canh tác, thiếu nhiệt tình trong quá trình liên kết sản xuất nên rất khó để sản xuất theo chuỗi, theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng, yếu tố tiên quyết để sản phẩm nông sản phát triển theo hướng hàng hóa.
Trên thực tế, cũng đã có một số DN đã đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, đa số đều đang gặp phải những rào cản khiến cho mối lương duyên giữa nhà đầu tư và nông dân còn hết sức mờ nhạt. Ở huyện Cam Lâm có một DN đầu tư vào việc chế biến, tiêu thụ xoài. Tuy nhiên, hiện nay, đơn vị này ước tính chỉ còn tiêu thụ được 5% sản lượng xoài ở vựa xoài Cam Lâm. Nguyên nhân là do mối liên kết giữa người trồng xoài và DN chưa chặt chẽ, khi có sự xuất hiện của đội ngũ tư thương thì sự liên kết ấy nhanh chóng tan vỡ.
Ông Nguyễn Ngô - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh: Hơn 2 năm kể từ ngày Nghị định 210 có hiệu lực, Sở KH-ĐT chỉ vừa mới hoàn thành việc xây dựng thủ tục hành chính, đã trình và đang chờ UBND tỉnh phê duyệt. Như vậy là quá chậm và thiếu sự quan tâm đúng mức đến lĩnh vực này. |
Tại thị xã Ninh Hòa, nơi vùng rau an toàn Ninh Đông hứa hẹn sẽ là sân sau của các DN chuyên kinh doanh thực phẩm, người dân chỉ cần chăm lo sản xuất theo đúng quy trình, việc tiêu thụ đã có DN đảm nhận. Song thực tế chỉ có 1 DN ký cam kết tiêu thụ, DN ấy cũng chỉ sử dụng khoảng 20% sản lượng rau ở nơi đây. Còn trong buổi làm việc giữa Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh với Hội Doanh nhân trẻ và một số DN trong tỉnh, một số đơn vị thậm chí chưa biết Nhà nước có chính sách ưu đãi đầu tư. Điều này chứng tỏ công tác phổ biến chủ trương của các cơ quan chức năng chưa đúng mức. Một số DN khác mặc dù biết rõ nhưng lại cho rằng: “Các thủ tục để được hưởng chính sách ưu đãi còn phức tạp, rườm rà”. Ngoài ra, một yếu tố khiến cho Nghị định 210 chưa thực sự đủ sức hút, đó là theo quy định, các địa phương có cân đối ngân sách về Trung ương thì ngân sách địa phương tự cân đối thực hiện. Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở KH-ĐT thì ngân sách địa phương đang khó khăn, hàng năm phải đi vay đầu tư nên chưa ban hành được chính sách đặc thù của tỉnh để có thể thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp.
Với những nguyên nhân đó, mặc dù quyết sách của Chính phủ về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có những ưu đãi không nhỏ, nhưng quá trình triển khai tại Khánh Hòa vẫn đang nằm ở mức độ chuẩn bị.
HỒNG ĐĂNG
Kỳ 2: Dự án cánh đồng lớn gặp khó
19 lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp và nông thôn (Ban hành kèm theo Nghị định số 210/2013 ngày 19-12-2013 của Chính phủ)
1. Trồng rừng, bảo vệ rừng, trồng cây dược liệu.
2. Xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến. Xây dựng cánh đồng lớn.
3. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, hải sản tập trung.
4. Sản xuất, phát triển giống cây trồng, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, giống thủy sản.
5. Ứng dụng công nghệ sinh học; công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản.
6. Đánh bắt hải sản ở vùng biển xa bờ.
7. Sản xuất, tinh chế muối.
8. Sản xuất nguyên liệu và chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, chế phẩm sinh học.
9. Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, dược liệu.
10. Sản xuất bột giấy, giấy, bìa, ván nhân tạo trực tiếp từ nguồn nguyên liệu nông, lâm sản.
11. Sản xuất thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
12. Sản xuất hàng thủ công; sản phẩm văn hóa, dân tộc truyền thống.
13. Xây dựng hệ thống cấp nước sạch, thoát nước.
14. Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm, tập trung, công nghiệp.
15. Xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; thu gom, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn.
16. Xây dựng chợ nông thôn; xây dựng ký túc xá công nhân ở nông thôn.
17. Sản xuất máy, thiết bị, chất phụ gia, phụ trợ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, máy chế biến thực phẩm.
18. Dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y ở vùng nông thôn.
19. Dịch vụ tư vấn đầu tư, khoa học, kỹ thuật về sản xuất nông, lâm, thủy sản và nghề muối ở vùng nông thôn.