Từ nền tảng đạt được trong giai đoạn 1, Dự án Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao Khánh Hòa giai đoạn 2 hứa hẹn sẽ góp phần tìm ra lời giải cho bài toán năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Từ nền tảng đạt được trong giai đoạn 1, Dự án Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao Khánh Hòa giai đoạn 2 hứa hẹn sẽ góp phần tìm ra lời giải cho bài toán năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hiệu quả cao
Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao Khánh Hòa được xây dựng từ năm 2006. Đây là trung tâm đầu tiên của cả nước được thành lập. Song song với quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, hoạt động nghiên cứu, khảo nghiệm nhiều giống cây trồng, vật nuôi cũng được trung tâm khởi động từ năm 2008. Từ đó đến nay, những giống cây trồng, vật nuôi sạch bệnh, thích ứng tốt với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương không ngừng được nhân rộng, mang lại hiệu quả cao so với giống cũ. Cùng với đó, thu nhập của nông dân được cải thiện.
Thu hoạch xoài Úc tại Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao. Ảnh V.HOA |
Trong đó, riêng cây lúa ở những địa phương áp dụng giống mới không chỉ giảm được lượng xuống giống từ 260kg/ha còn khoảng 150kg/ha, mà còn giúp tăng năng suất từ 10 đến 15% so với giống cũ. Bên cạnh đó, các vườn ươm nhiều loại cây lâm nghiệp và cây ăn quả cũng được triển khai tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, mỗi năm cung cấp cho chương trình trồng rừng hàng triệu cây giống, chủ yếu là keo lai giâm hom và ghép cành cây ăn quả. Ở lĩnh vực cây ăn quả, hiệu quả nhất là việc lai ghép giống xoài Úc vào cây xoài Canh Nông truyền thống, mang lại năng suất cao mà vẫn đảm bảo chất lượng của loại trái cây này. Cùng với mô hình tưới nhỏ giọt cho cây xoài Úc được áp dụng, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã có hàng ngàn héc-ta xoài được cấy ghép, chưa kể các tỉnh như: An Giang, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đồng Nai… cũng tìm đến trung tâm để đặt hàng.
Mới đây nhất, dự án sản xuất hoa lan mokara nhiệt đới đã cho kết quả khả quan. Theo tính toán, mỗi héc-ta hoa lan hứa hẹn cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, hoạt động nuôi cấy mô để phục tráng các giống cây trồng bị thoái hóa cũng được đẩy mạnh, trong đó đặc biệt hiệu quả trên các giống: mía tím, chuối, hoa cúc, hoa huệ…
Tiếp tục triển khai dự án
Từ kết quả đạt được trong giai đoạn 1 và nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp, Dự án Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao Khánh Hòa giai đoạn 2 (2017 - 2020) đang tiếp tục được triển khai. Tổng vốn triển khai dự án này hơn 60 tỷ đồng, trong đó 48 tỷ đồng sẽ dành cho việc ứng dụng, thử nghiệm và trình diễn các giống cây trồng, vật nuôi như: lúa, nấm, xoài, rau, heo…
Theo ông Mai Xuân Thương, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao Khánh Hòa, dự án nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Việc đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhằm sản xuất và cung ứng giống cây trồng, vật nuôi chất lượng, phục vụ cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Về mục tiêu cụ thể, khi dự án chính thức đi vào thực hiện, Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao Khánh Hòa sẽ đảm nhận luôn nhiệm vụ sản xuất đủ giống lúa cung cấp cho sản xuất trên diện tích 17.000ha lúa của toàn tỉnh, đưa năng suất lúa bình quân đạt mức 60 tạ/ha vào năm 2020. Với các loại giống nấm, một mô hình chuyên về sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm sẽ được đầu tư tại trung tâm, đồng thời cung ứng giống nấm và chuyển giao kỹ thuật cho người dân có nhu cầu. Riêng cây xoài, trung tâm đặt mục tiêu cung cấp giống xoài chất lượng cao cho toàn bộ diện tích trên địa bàn tỉnh, xây dựng và chuyển giao phương pháp canh tác cho năng suất, chất lượng tốt hơn. Với vật nuôi, heo vẫn là vật nuôi chủ lực; trong đó, song hành với việc cung cấp giống heo, phương pháp chăn nuôi hiện đại, thân thiện với môi trường sẽ được triển khai mạnh trong thời gian tới.
Hy vọng, trong bối cảnh điều kiện thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp và bất lợi cho hoạt động nông nghiệp, Dự án Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao Khánh Hòa giai đoạn 2 sẽ tiếp tục phát huy tối đa vai trò của mình, là cầu nối gắn kết giữa những người làm nông và nhà khoa học, để đạt mục tiêu cuối cùng là việc ứng dụng các loại cây, con phù hợp, hiệu quả hơn.
H.Đ