11:09, 15/09/2016

Chuyển giao công nghệ sản xuất nấm xanh cho nông dân

Trạm Khuyến công nông lâm ngư Cam Lâm đang nghiên cứu, chuyển giao đề tài sản xuất nấm xanh Metarhizium anisopliae tại hộ nông dân nhằm chủ động phòng trừ rầy nâu hại lúa.

Trạm Khuyến công nông lâm ngư Cam Lâm đang nghiên cứu, chuyển giao đề tài sản xuất nấm xanh Metarhizium anisopliae tại hộ nông dân nhằm chủ động phòng trừ rầy nâu hại lúa.


Hiệu quả bước đầu


Năm 2009, tại Khánh Hòa, rầy nâu phát triển thành dịch gây thiệt hại cho hàng trăm héc-ta lúa đông xuân, trong đó Cam Lâm và Ninh Hòa là 2 địa phương thiệt hại nặng nhất. Nguy hiểm hơn, dịch rầy nâu không chỉ gây ra hiện tượng cháy rầy làm giảm năng suất, sản lượng mà còn là môi giới truyền bệnh vàng lùn, vàng xoắn lá rất khó phòng trừ. Tuy nhiên, việc ngăn chặn dịch rầy nâu không đơn giản, các biện pháp hóa học tuy hiệu quả nhanh nhưng không ổn định.

 

Ruộng thực hiện đề tài tại xã Cam Hòa cho thấy hiệu quả diệt rầy rất tốt
Ruộng thực hiện đề tài tại xã Cam Hòa cho thấy hiệu quả diệt rầy rất tốt


Nấm xanh Metarhizium anisopliae là loài nấm ký sinh trên rầy và nhiều loại côn trùng khác, được kỳ vọng diệt rầy nâu hiệu quả. Theo kỹ sư Nguyễn Quốc Huy - Trạm Khuyến công nông lâm ngư Cam Lâm, sự phát triển của rầy nâu cũng như côn trùng tại ruộng lúa rất khó có thể cắt đứt nguồn lây khi sử dụng các biện pháp hóa học. Việc sử dụng nấm xanh là biện pháp quan trọng nhằm chủ động diệt rầy nâu, vừa khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học, tiết kiệm được chi phí, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phòng trừ dịch hại cho cây trồng. Vì thế, trạm đã triển khai đề tài “Ứng dụng quy trình kỹ thuật sản xuất nấm xanh Mertarhizium anisopliae tại nông hộ để phòng trừ rầy nâu hại lúa”.


Ông Nguyễn Kiên (xã Cam Hòa) - nông dân thực hiện đề tài cho biết: “Chúng tôi sử dụng meo giống nấm xanh của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long phun xịt trên diện tích 5ha ruộng, cho thấy hiệu quả rất tốt. Tuy chỉ phun 1 lần, nhưng rầy bị nấm ký sinh nhanh chóng chết dần, mức độ lan truyền của nấm khá nên mật độ rầy giảm mạnh, ước tính vụ này năng suất đạt 60 - 65 tạ/ha”.


Theo Trạm Khuyến công nông lâm ngư Cam Lâm,  năm 2016 trạm triển khai đề tài tại 2 xã Cam Tân và Cam Hòa với quy mô 10ha. Đánh giá bước đầu cho thấy, hiệu quả của việc sử dụng nấm xanh trong việc phòng trừ rầy nâu đạt 70%, với mật số rầy từ 400 - 500 con/m2, các loài thiên địch trên đồng ruộng như: nhện, bọ xít mù xanh, bọ rùa, kiến ba khoang... ít bị ảnh hưởng. Trung bình trong một vụ lúa, nông dân tốn 800.000 - 1 triệu đồng cho việc phòng trừ rầy nâu. Trong khi đó, nếu tự sản xuất được nấm xanh chi phí sẽ rẻ hơn rất nhiều, dưới 500.000 đồng/ha/vụ.


Chuyển giao cho nông dân


Mới đây, Trạm Khuyến công nông lâm ngư Cam Lâm triển khai quy trình sản xuất nấm xanh tới nông dân trong huyện. Theo nhiều nông dân, phương pháp nhân nuôi mô hình nấm xanh đơn giản, dễ làm. Thời gian tới, nhiều nông dân sẽ áp dụng và nhân rộng mô hình trong quá trình sản xuất lúa để diệt rầy nâu.


Theo bà Nguyễn Thị Nhặn - Phó Trưởng Trạm Khuyến công nông lâm ngư Cam Lâm, việc chuyển giao mô hình sản xuất nấm xanh tại hộ nông dân có ý nghĩa rất lớn trong việc chủ động phòng, chống rầy nâu hại lúa. Hiện tại, các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện và được nông dân rất ủng hộ. Tuy nhiên, đối với Cam Lâm, phần lớn diện tích sản xuất lúa manh mún, lẻ tẻ nên việc nông dân tự sản xuất còn nhiều bất cập, có thể làm giá thành tăng. Vì thế, trạm khuyến khích thực hiện theo nhóm, nhất là các tổ hợp tác có thể sản xuất để phục vụ nông dân trong khu vực. Thời gian tới, trạm sẽ tận dụng cơ sở vật chất và con người để sản xuất nấm xanh phục vụ theo đơn hàng của người dân trên cơ sở tranh thủ sự hỗ trợ của huyện về kinh phí.  


V. L