Để đạt được tiêu chí thu nhập trong chương trình xây dựng nông thôn mới là một bài toán khó đối với xã thuần nông, có diện tích sản xuất nhỏ như Diên Bình (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa). Địa phương cần thử nghiệm một số cây trồng mới nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Để đạt được tiêu chí thu nhập trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là một bài toán khó đối với xã thuần nông, có diện tích sản xuất nhỏ như Diên Bình (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa). Địa phương cần thử nghiệm một số cây trồng mới nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Diện tích sản xuất nhỏ
Diên Bình có diện tích sản xuất lúa hàng năm 480ha. Nhờ vào thổ nhưỡng và kinh nghiệm sản xuất của người dân, năng suất lúa của địa phương luôn đạt mức cao. Vụ đông xuân 2016, tuy gặp khó khăn về nắng hạn nhưng xã vẫn đạt năng suất 75 tạ/ha. Theo ông Trần Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Diên Bình, địa phương có diện tích sản xuất khá nhỏ, trong khi thu nhập chính của người dân lại phụ thuộc vào nghề nông. Ngoài nông nghiệp, xã có một số nghề tiểu thủ công nghiệp như: làm bánh tráng, bún, mộc, cơ khí… nhưng ở quy mô rất nhỏ.
Người dân xã Diên Bình kỳ vọng vào việc thâm canh cây vú sữa để nâng cao thu nhập |
Ông Đặng Khải Hoàng - Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Thời gian qua, lãnh đạo địa phương đã tập trung chỉ đạo vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Xã thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghề như: thợ mộc, thợ xây, nấu ăn… để người dân phát triển kinh tế gia đình, tìm cơ hội việc làm ở các khu công nghiệp, các cơ sở xây dựng. Tuy nhiên, do chưa tìm được mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nên tiêu chí thu nhập vẫn chưa đạt”. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân là 20 triệu đồng/người/năm, còn khá xa nếu so với tiêu chí thu nhập của xã NTM (23 triệu đồng/người/năm). Theo kế hoạch của huyện Diên Khánh, đến năm 2019, Diên Bình phấn đấu đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, đến thời điểm đó, tiêu chí thu nhập của xã đạt chuẩn NTM có thể tăng lên nên Diên Bình sẽ càng khó để hoàn thành tiêu chí này nếu không tìm được giải pháp ngay từ bây giờ.
Thử nghiệm các mô hình chuyển đổi cây trồng
Tại buổi làm việc với lãnh đạo xã về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2016, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, Diên Bình là xã thuần nông không nghèo nhưng cũng khó giàu. Năng suất lúa đang ở mức cao nên vận động người dân chuyển đổi cây trồng khác không dễ. Do đó, địa phương cần xem xét thử nghiệm một số mô hình chuyển đổi, cân nhắc bài toán thị trường và nếu hiệu quả thì mới nhân rộng cho người dân. Ông Trần Sơn Hải giao huyện Diên Khánh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ địa phương tìm và thử nghiệm các mô hình chuyển đổi cây trồng mới nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện nay, một số hộ ở xã Diên Bình có nguồn thu khá ổn định từ trồng cây vú sữa. Xã có 40ha cây vú sữa tập trung tại thôn Nghiệp Thành và Lương Phước. Vừa qua, xã đã phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Diên Khánh thực hiện đề tài “Thâm canh cây vú sữa Diên Bình”. Năm 2016, Trạm Khuyến nông huyện Diên Khánh đã hỗ trợ khoa học kỹ thuật, phân bón, vật tư nông nghiệp để xây dựng 2ha cây vú sữa mẫu cho đề án, tiến tới xây dựng thương hiệu cây vú sữa Diên Bình. Chính quyền địa phương cũng kỳ vọng đề án thành công sẽ là một hướng đi để nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, phát huy thế mạnh sản xuất lúa của người dân địa phương, Hợp tác xã Diên Bình cần liên kết sản xuất lúa giống cho các công ty, doanh nghiệp như nhiều địa phương khác đã triển khai. Giá lúa giống do các doanh nghiệp mua vào luôn cao hơn giá lúa cùng thời điểm trên thị trường. Do đó, mô hình liên kết sản xuất lúa giống sẽ đảm bảo nông dân có lãi, đem lại hiệu quả kinh tế và phù hợp với tập quán sản xuất của người dân. Ngoài ra, địa phương cũng có thể thử nghiệm một số cây trồng mới như: dừa xiêm, bưởi da xanh…
MAI HOÀNG