Với đặc thù kinh tế thuần nông, xã Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) rất khó bứt phá để phát triển, nhất là hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM) nếu không có sự hỗ trợ tích cực của thành phố và tỉnh.
Với đặc thù kinh tế thuần nông, xã Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) rất khó bứt phá để phát triển, nhất là hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM) nếu không có sự hỗ trợ tích cực của thành phố và tỉnh.
Kết quả bước đầu
Những năm qua, xã Cam Phước Đông đã có nhiều nỗ lực để thực hiện các tiêu chí của Chương trình xây dựng NTM. Đến nay, xã còn 7 tiêu chí chưa đạt là: quy hoạch, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, môi trường, hệ thống chính trị và hộ nghèo. Theo chuẩn mới, hiện tỷ lệ hộ nghèo của địa phương là 16,1%, cận nghèo 24,8%. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng thu nhập bình quân đầu người năm 2015 của xã vẫn đạt 22 triệu đồng/người/năm. Dự kiến đến hết năm 2016, xã sẽ đạt 2 tiêu chí về hệ thống chính trị và môi trường.
Hội thảo đầu bờ về khuyến nông cây lúa tại xã Cam Phước Đông |
Theo ông Cao Hữu Lý - Chủ tịch Hội Nông dân xã, Cam Phước Đông là xã thuần nông nên rất khó bứt phá để đi lên, bởi thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn xã có 480ha lúa 2 vụ; 125ha lúa 1 vụ; cây lúa vẫn là cây trồng chính, bên cạnh trồng màu, trồng hoa. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, ngành nghề nông thôn hầu như chưa có gì…
Trước tình hình sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, đầu ra bấp bênh, thời gian qua, Hội Nông dân xã đã đứng ra vận động một số nông dân xây dựng các tổ hợp tác, làm cầu nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các chủng loại rau nên tạo ra bước khởi sắc. Đến nay, xã đã thành lập 3 tổ hợp tác: tổ hợp tác rau an toàn Tiến Ra (12 thành viên), thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng, cung cấp rau an toàn cho siêu thị Co.opmart và tiến tới cung cấp rau, thực phẩm cho bộ đội Vùng 4; tổ hợp tác lúa giống Suối Môn (14 thành viên), diện tích 7ha, sản lượng 100 tấn/năm, cung cấp giống xác nhận cho địa phương; tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn (10 thành viên), cung cấp gà giống cho người dân trong xã và địa bàn lân cận.
Lúng túng vì chưa có quy hoạch chi tiết
6 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã bị ảnh hưởng bởi thời tiết, hạn hán, bệnh đạo ôn gây hại trên cây lúa khiến thất thu năng suất, chỉ đạt 55 tạ/ha, thấp hơn 20 tạ/ha so với cùng kỳ. Cây xoài cũng thất thu do rụng trái, giá bán chỉ được 5.500 - 6.000 đồng/kg… |
Theo đề án xây dựng NTM, Cam Phước Đông quy hoạch vùng sản xuất lúa giống; tiến tới cơ giới hóa nông nghiệp đạt 100%; quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, chủ yếu là chăn nuôi gia súc, phát triển đồng cỏ phía tây nam, gần khu vực hồ chứa nước Suối Hành; đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển đồng bộ. Tuy nhiên, theo ông Lý, hiện nay, vấn đề quy hoạch vẫn còn bỏ ngỏ, xã chỉ mới quy hoạch chung, chưa xây dựng được quy hoạch chi tiết nên rất khó để triển khai. “Tổng đàn bò của xã khoảng 2.000 con, đàn heo 5.000 con nhưng vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, thậm chí chăn nuôi heo trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường rất khó giải quyết. Xã rất lúng túng nếu không có quy hoạch chi tiết. Vấn đề kinh phí để xây dựng khu chăn nuôi tập trung, phát triển đồng cỏ, khuyến khích nông dân chăn nuôi quy mô lớn cũng nan giải. Vùng sản xuất rau an toàn cũng chưa có quy hoạch chi tiết”, ông Lý trăn trở.
Ông Nguyễn Văn Phụng - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Phước Đông cho biết, sản xuất nông nghiệp khó có thể làm tăng thu nhập, đưa mức sống người dân đi lên. Cùng với đó, cần giải quyết vấn đề đào tạo nghề, lao động, việc làm. Tuy nhiên, trên địa bàn hiện không có một ngành nghề nông thôn nào, các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng rất hạn chế. “Xã rất mong tỉnh, thành phố quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư, giải quyết việc làm, lao động; nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là lớp trẻ”, ông Phụng nói.
V.L