10:08, 24/08/2016

Mía tím được giá

Nông dân huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa đang bước vào thu hoạch mía tím niên vụ 2015 - 2016. Việc tiêu thụ mía tím diễn ra khá thuận lợi, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Nông dân huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa đang bước vào thu hoạch mía tím niên vụ 2015 - 2016. Việc tiêu thụ mía tím diễn ra khá thuận lợi, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.


Thu nhập cao


Hộ ông Ma Thế Tăng (thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp) có 5 sào mía tím. Nhờ trồng kịp thời vụ, chăm sóc đúng kỹ thuật nên ruộng mía của gia đình ông phát triển khá tốt. “Hiện tại, thương lái đã thu mua xong ruộng mía với giá 20 triệu đồng/sào. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi hơn 70 triệu đồng. Ngay sau khi thu hoạch, gia đình tôi tiếp tục mua giống về trồng cho kịp niên vụ năm sau”, ông Tăng nói.

 

Nông dân thu hoạch mía tím
Nông dân thu hoạch mía tím


Năm nay, gia đình bà Võ Thị Thủy (thị trấn Tô Hạp) trồng khoảng 1,2ha mía tím, thương lái đến thu mua với giá 25 triệu đồng/sào, cao hơn năm ngoài từ 3 đến 5 triệu đồng/sào. Sau khi trừ chi phí, gia đình bà lãi hơn 200 triệu đồng.


Niên vụ 2015 - 2016, toàn huyện Khánh Sơn trồng hơn 300ha mía tím, trong đó tập trung nhiều tại thị trấn Tô Hạp, xã Sơn Hiệp, xã Ba Cụm Bắc… Theo ông Trần Tấn Chóng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp, năm nay, toàn xã có khoảng 67ha mía tím. Tuy mía có bị ảnh hưởng do nắng hạn thời kỳ mới trồng, nhưng rút kinh nghiệm những năm trước, nông dân không bóc bẹ sớm mà đợi đến khi có mưa đầu mùa mới tỉa lá, bón thúc phân nên nhiều ruộng mía vẫn phát triển tốt. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân không trồng mía ồ ạt như mọi năm mà lựa chọn những khu vực đủ điều kiện tưới tiêu để canh tác, đảm bảo mía sinh trưởng, phát triển tốt. Đến thời điểm hiện tại, nông dân trong xã đã thu hoạch được khoảng 35% diện tích, chủ yếu là những ruộng mía chuyển đổi từ lúa nước. Giá bán từ đầu vụ đến nay bình quân từ 15 đến 20 triệu đồng/sào. Người trồng mía rất phấn khởi vì đã bù lại được phần nào vụ mía năm ngoái.


Theo các thương lái, mía tím Khánh Sơn chủ yếu được tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh hoặc bán cho ngư dân đi biển dài ngày tại một số tỉnh như: Phú Yên, Bình Định… Nếu mua cả ngọn thì giá cao hơn 1 - 2 triệu đồng/sào. So với mọi năm, năm nay, khách hàng đặt mua mía tím Khánh Sơn sớm hơn. Do các tỉnh miền Nam bị mất mùa cây ăn quả, nhiều người chuyển sang tiêu dùng mía tím, nên hiện nay mặt hàng này đang khá hút khách.


Tìm đầu ra ổn định


Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, mía tím là một trong những loại cây trồng chủ lực của nông dân địa phương. Do đó, các ngành liên quan của huyện đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng và tìm đầu ra ổn định cho cây mía. Trước hết, các ngành chuyên môn tiếp tục tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc mía cho người dân để nâng cao năng suất; đồng thời, tuyên truyền vận động người dân trồng đúng thời vụ để có thể thu hoạch mía trước mùa mưa. “Chúng tôi cũng khuyến cáo nông dân nên bán sớm những ruộng mía đã đến kỳ thu hoạch, không nên để đợi giá nhằm tránh tình trạng như năm ngoái, đến thời điểm mùa mưa, nhu cầu tiêu thụ giảm, mía rớt giá, nông dân có nguy cơ thua lỗ và ảnh hưởng đến lịch thời vụ năm sau”, ông Hiếu nói. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về cây mía tím Khánh Sơn trên thị trường; kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, đơn vị đến thu mua mía.


Về lâu dài, huyện Khánh Sơn có chủ trương chuyển đổi giống mía địa phương đã thoái hóa sang trồng giống mía cấy mô sạch bệnh. Hiện nay, Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh đang tiến hành nhân giống mía cấy mô để cung cấp nguồn giống cho nông dân đưa vào canh tác. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng mía tím để từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu mía tím Khánh Sơn, nhằm tìm chỗ đứng ổn định trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.


ĐINH LUẬN