Thời gian gần đây, nông dân huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã tích cực chuyển đổi những loại cây trồng cần nhiều nước tưới sang các loại cây trồng tốn ít nước, nhằm từng bước hình thành nền sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu.
Thời gian gần đây, nông dân huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã tích cực chuyển đổi những loại cây trồng cần nhiều nước tưới sang các loại cây trồng tốn ít nước, nhằm từng bước hình thành nền sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu.
Hiệu quả bước đầu
Do ảnh hưởng của hạn hán, nhiều khu vực sản xuất lúa nước, trồng bắp, mía đường… tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Khánh Sơn bị thiếu nước, thậm chí bỏ hoang. Một số khu vực trồng lúa tuy có nước nhưng lại bị nhiễm phèn nên việc canh tác lúa nước cho năng suất thấp. Mấy năm gần đây, nhiều hộ đã chuyển đổi sang trồng mía tím hoặc các loại cây ăn quả. Bước đầu, nhiều khu vực chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trước đây.
Người dân xã Sơn Hiệp chuyển đổi diện tích lúa nước sang trồng mía tím. Ảnh: Hoàng Quý |
Gia đình ông Cao Văn Tiệu (thôn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp) có 2,5 sào đất sản xuất nông nghiệp. Trước đây, ông trồng lúa nước nhưng hiệu quả không cao. Được sự động viên, tuyên truyền của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, 2 - 3 năm trở lại đây, gia đình ông chuyển toàn bộ diện tích lúa nước sang trồng mía tím. “Được sự hướng dẫn về kỹ thuật của các ban, ngành, đoàn thể xã nên mấy sào mía của gia đình tôi phát triển tốt. Năm nay, mía được mùa, được giá, tôi bán được 20 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều so với trồng lúa”, ông Tiệu chia sẻ.
Năm 2015, gia đình ông Cao Hoàng Giáo (thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình) cũng quyết định chuyển 1,5ha đang trồng bắp và cây ngắn ngày sang trồng cây quýt đường, vì cây trồng này không cần nhiều nước tưới, ít sâu bệnh. Sau hơn 1 năm xuống giống và chăm sóc, hiện nay, vườn quýt đường đang phát triển tốt, nhiều cây bắt đầu ra quả bói.
Ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết, thời gian qua, nông dân trong xã đã chuyển đổi khoảng 6ha lúa nước bị nhiễm phèn ở khu vực Tà Gụ sang trồng mía tím; một số diện tích lúa nước thường xuyên bị khô hạn ở thôn Liên Hiệp sang trồng chuối bồ hương. Đến nay, diện tích trồng mía tím cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với lúa nước (bình quân 20 triệu đồng/sào), khu vực trồng chuối bồ hương cũng đang phát triển rất tốt.
Xác định cây trồng phù hợp
Do quỹ đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện không nhiều, nên trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân không nên chuyển đổi ồ ạt theo phong trào mà cần lựa chọn các loại cây trồng đảm bảo phù hợp với điều kiện đất đai, điều kiện canh tác từng khu vực; có giá trị kinh tế cao; đang được thị trường ưa chuộng và nhất là không cần nhiều nước tưới nhằm tận dụng và phát huy tối đa hiệu quả quỹ đất sản xuất nông nghiệp hiện có.
Từ kết quả quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện mấy năm gần đây, trong thời gian tới, Khánh Sơn có chủ trương tiếp tục chuyển đổi cây lúa nước sang trồng mía tím và một số loại cây ăn quả như: bưởi da xanh, chuối bồ hương. Về quỹ đất chuyển đổi, ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Hiện nay, toàn huyện có khoảng 146ha lúa nước. Trong giai đoạn 2015 - 2020, Khánh Sơn sẽ tập trung chuyển đổi gần 100ha ở những khu vực thường xuyên thiếu nước, hoặc bị nhiễm phèn, kém hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động người dân thâm canh tăng năng suất diện tích lúa nước còn lại”. Ngoài ra, các xã, thị trấn cũng khuyến khích nông dân chuyển đổi những diện tích trồng keo ở khu vực triền đồi hoặc gần nguồn nước sang trồng cây công nghiệp và cây ăn quả như: sầu riêng, hồ tiêu... nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác.
Theo ông Hiếu, để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện sẽ thực hiện lồng ghép các chương trình, chính sách của Trung ương và của tỉnh nhằm hỗ trợ người dân về nguồn vốn, cây giống để sản xuất. Đồng thời, tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho nông dân để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng tính cạnh tranh trên thị trường; chú trọng việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm đầu ra ổn định cho nông sản địa phương. Qua đó, giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, phát triển sản xuất bền vững.
ĐINH LUẬN