Theo phân tích của các chuyên gia, tình trạng thừa cung dầu mỏ là nguyên nhân chính khiến giá "vàng đen" lao dốc.
Theo phân tích của các chuyên gia, tình trạng thừa cung dầu mỏ là nguyên nhân chính khiến giá “vàng đen” lao dốc.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần (8/8), giá dầu WTI giao tháng 9/2016 tại New York tăng 1,22 USD (tương đương 2,9%) lên 43,02 USD/thùng; giá dầu Brent cùng kỳ hạn tại London tăng 1,12 USD (tương đương 2,53%) lên 45,39 USD/thùng. Nguyên nhân khiến giá dầu bật tăng trở lại là do các nhà đầu tư hy vọng, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ họp bất thường vào cuối tháng 9 tới để cân nhắc “đóng băng” hoặc ấn định sản lượng để hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh nguồn cung dầu ngày càng dư thừa.
Ảnh Internet |
Tuy nhiên, giá dầu đã nhanh chóng giảm trở lại ngay trong phiên giao dịch sau đó (ngày 9/8) do các nhà đầu tư đã thu lợi khá lớn khi giá dầu tăng tới 3% trong phiên giao dịch trước.
Cụ thể, giá dầu WTI giảm 25 cent xuống 42,77 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 41 cent xuống 44,98 USD/thùng.
Ngoài ra, giá dầu thấp được bắt nguồn từ một số nhận định cho rằng, hội nghị tới đây của OPEC cũng sẽ thất bại do nhiều nước thành viên OPEC vẫn gặp khó khăn về ngân sách quốc gia; một số nước như Iran, Libya, Nigeria vẫn tiếp tục đẩy mạnh khai thác dầu. Trong khi đó, Saudi Arabia (thành viên đứng đầu OPEC) cũng sẽ không cắt giảm sản lượng… Hơn nữa, giá dầu đang phục hồi có thể khiến OPEC không muốn điều chỉnh giảm kế hoạch khai thác dầu.
Theo nhận định của các chuyên gia, tình trạng thừa cung sản phẩm dầu mỏ là nguyên nhân chính khiến giá dầu lao dốc.
Dữ liệu của hãng tư vấn Energy Aspects cho biết nguồn cung dầu thô toàn cầu vẫn tiếp tục tăng. Đáng chú ý, xuất khẩu và sản lượng dầu thô của Nga trong tháng 7/2016 tăng tháng thứ 24 liên tiếp.
Báo cáo hằng tháng do Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đưa ra vào ngày 13/7/2016 cho biết nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng thêm 1,3 triệu thùng/ngày lên mức 97,4 triệu thùng/ngày trong năm 2017, phần lớn nhờ nhu cầu tăng từ các nước không phải là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) như Ấn Độ và Trung Quốc. Nhu cầu dầu mỏ cao hơn dự báo sẽ hỗ trợ giá dầu trong suốt năm 2016 cho dù tình trạng dư cung ở mức rất cao đang là mối đe dọa đối với sự ổn định của giá dầu hiện nay. Tuy nhiên, IEA cũng lưu ý, giá dầu thô đã đạt mức đỉnh trên 52 USD/thùng hồi đầu tháng 6 vừa qua, thay vì dao động trong khoảng 45-50 USD/thùng.
Theo báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2016 của Ngân hàng Thế giới (WB), giá hàng hóa trên thị trường thế giới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi từ đầu năm nay, nhưng vẫn ở mức thấp do nguồn cung vẫn dồi dào, trong khi nhu cầu yếu ớt. Giá dầu được kỳ vọng phục hồi chậm khi nguồn cung giảm dần và nhu cầu được củng cố vào cuối năm nay. Tại hầu hết các nước sản xuất dầu, chi phí trung bình trong sản xuất dầu giảm trong những năm gần đây và đang đứng ở mức dưới 40 USD/thùng.
WB nhận định trong năm 2016, giá cả hàng hóa ở mức thấp tiếp tục kéo dài, nhất là giá năng lượng, đẩy giá cả một số loại hàng hóa xuống mức thấp. Các yếu tố đẩy giá cả xuống thấp bao gồm nguồn cung và trữ lượng của phần lớn các loại hàng hóa tương đối dồi dào, triển vọng kinh tế toàn cầu giảm nhẹ, USD tăng vững. Giá thấp sẽ đẩy nguồn cung giảm dần, và giá cả hàng hóa sẽ phục hồi dần. Tuy nhiên, nguồn cung trên các thị trường hàng hóa vẫn được đáp ứng đầy đủ nhờ trữ lượng lớn, nên giá cả khó có khả năng bứt phá đáng kể.
Trong năm 2016, giá dầu trung bình kỳ vọng sẽ đạt 41-43 USD/thùng, giảm mạnh so với mức giá 51 USD/thùng theo dự báo đưa ra vào tháng 1/2016, và sẽ đạt mức giá trung bình 50 USD/thùng vào năm 2017.
Theo chinhphu