Theo Đề án chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2016 - 2020, bên cạnh việc nghiên cứu các cây trồng phù hợp, hiệu quả, ngành Nông nghiệp đã quan tâm hơn đến đầu ra cho sản phẩm.
Theo Đề án chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2016 - 2020, bên cạnh việc nghiên cứu các cây trồng phù hợp, hiệu quả, ngành Nông nghiệp đã quan tâm hơn đến đầu ra cho sản phẩm.
Những loại cây trồng hiệu quả
Theo đề án, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh Khánh Hòa sẽ có hơn 4.200ha đất sản xuất nông nghiệp được chuyển đổi. Trong đó, có khoảng 2.800ha đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây khác như: bắp, đậu phụng, rau… 1.400ha diện tích đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm kém hiệu quả sẽ được chuyển sang trồng cây ăn quả. Những con số này được tổng hợp từ nhu cầu chuyển đổi của các xã trên toàn tỉnh, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát, đánh giá.
Chuyển từ cây cà phê sang trồng tiêu ở Khánh Sơn |
Từ biểu đồ so sánh tính hiệu quả giữa các loại cây trồng, có căn cứ cả về khoa học lẫn thực tế đã cho thấy, trên cùng 1ha đất sản xuất, mỗi mùa vụ cây lúa cho lợi nhuận khoảng 18 triệu đồng; lợi nhuận từ cây bắp, đậu phụng kém hơn một chút so với lúa. Riêng cây tỏi cho thu nhập từ 150 đến 250 triệu đồng; cây ớt cũng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Với các loại cây hàng năm và lâu năm khác, nếu như cây mía cho lợi nhuận 16 triệu đồng/ha/vụ, chỉ ngang ngửa với cây mì, thì bưởi da xanh và xoài Úc song hành nhau ở mức lợi nhuận xấp xỉ 250 triệu đồng/ha/vụ, cây sầu riêng cũng tiệm cận với mốc lợi nhuận 200 triệu đồng, trong khi cây táo mang về cho người trồng khoảng 100 triệu đồng/ha/vụ.
Như vậy, bài toán về trồng cây gì, ở khu vực nào dường như không còn là một câu hỏi hóc búa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ trước tới nay, ngành Nông nghiệp Khánh Hòa thường phải đối mặt với tình trạng “khủng hoảng thừa”. Đó là, hễ cây trồng nào hiệu quả thì xảy ra hiện tượng chuyển đổi ồ ạt đến quá mức, dẫn tới nhiều hệ lụy. Điều dễ thấy nhất, khi sản phẩm quá phong phú, giá thành lại bị ép xuống tới mức thấp nhất, người nông dân mãi sống với điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Cần hình thành vùng chuyên canh
Trong khi đó, ngành Nông nghiệp Khánh Hòa được xem là còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, cần hình thành những vùng chuyên canh, những khu vực có quy mô sản xuất rộng lớn. Mặc dù nhỏ lẻ, nhưng các sản phẩm nông nghiệp lại đang quá lệ thuộc vào đường tiểu ngạch; không có những doanh nghiệp đủ mạnh để bao tiêu sản phẩm, hoặc nếu có thì các doanh nghiệp đó đang tỏ ra hụt hơi so với đội ngũ thương lái. Đơn cử như ở Cam Lâm, một doanh nghiệp chuyên thu mua xoài Úc để xuất khẩu sang một số nước ở châu Âu đã không thể cạnh tranh nổi về giá với các tiểu thương thu mua xoài để đưa sang Trung Quốc. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhìn nhận, hầu hết các loại cây trồng chỉ hiệu quả khi ở một diện tích nào đó, nếu tăng lên về quy mô, trong khi đầu ra không đảm bảo sẽ không còn hiệu quả nữa.
Tại buổi làm việc với ngành Nông nghiệp về chuyển đổi cây trồng mới đây, đồng chí Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Các địa phương phải đánh giá cho được thực trạng nền nông nghiệp của mình. Cây gì hiệu quả, cây gì chưa hiệu quả cần chuyển đổi. Hoạt động chuyển đổi phải đáp ứng được các yêu cầu, bao gồm tính khả thi, hiệu quả và phù hợp. Xu hướng hiện nay của tỉnh là hình thành nên các vùng chuyên canh, bao gồm: cây ăn trái, rau màu, cây công nghiệp, lúa… Song song với hoạt động chuyển đổi, vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp cũng cần được nghiên cứu, tìm hiểu, xúc tiến nhiều hơn. Một cây trồng khi chuyển đổi được coi là khả thi, ngoài việc phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, còn phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường, có đầu ra ổn định”.
Có thể nói, một khi đầu ra của sản phẩm còn bấp bênh, quá phụ thuộc vào một thị trường nào đó, thì việc phát triển một loại cây trồng còn chưa mang tính khả thi. Theo bà Trịnh Thị Thùy Linh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay, Đề án chuyển đổi cây trồng Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020 đang được hoàn tất để sớm trình UBND tỉnh thông qua trong thời gian tới. Khánh Hòa có 60% dân số sống về nghề nông, nhưng tỷ trọng nông nghiệp đang quá thấp, vì thế cần thiết phải chuyển đổi nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên cùng một diện tích.
H.Đ