Từ phong trào thi đua giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) có nhiều cựu chiến binh đã nỗ lực vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Từ phong trào thi đua giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) có nhiều cựu chiến binh (CCB) đã nỗ lực vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Nỗ lực làm giàu
Ông Nguyễn Tư Quân - Chủ tịch Hội CCB xã Suối Tân cho biết, sau khi nghỉ hưu, thấy mình còn khỏe, lại có bằng kỹ sư về chăn nuôi nên ông quyết định xây dựng trang trại. Ban đầu, ông gặp khó khăn vì không có đất, vốn ít. Năm 2009, sau khi mua 2.000m2 và thuê thêm 5.000m2 đất, ông làm trang trại nuôi heo nái với số vốn ban đầu 150 triệu đồng. Trang trại được xây cách xa khu dân cư; có hầm biogas; chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học. Từ 20 con heo nái giống, đến nay, trang trại của ông duy trì 60 con heo nái ngoại thuần. Sau khi mở rộng thêm 1.000m2, trang trại của ông nuôi thêm 400 con heo thịt, thu nhập 300 - 500 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông Quân còn cung ứng gần 100 tấn heo hơi, 2.000 liều tinh heo siêu nạc mỗi năm và mở 1 đại lý thức ăn gia súc. Ông dự định hết năm nay sẽ nâng lên 80 con heo nái giống, 500 con heo thịt. Hiện nay, trang trại của ông giải quyết việc làm ổn định cho 6 lao động với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng, cùng hàng chục lao động thời vụ.
Các cựu chiến binh làm kinh tế giỏi giai đoạn 2011 - 2016 được UBND huyện khen thưởng |
Dẫn chúng tôi lên thăm đồi keo lai xanh bạt ngàn và trang trại nuôi heo lạnh, CCB Lê Quang Dưỡng (thôn Tân Xương, xã Suối Cát) cho biết, những năm qua, gia đình ông chuyên canh 30 - 35ha mía đường và mì cao sản. Trừ chi phí, thu nhập hàng năm của gia đình ông 200 - 300 triệu đồng. Ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 - 20 lao động với mức lương 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Cuối năm 2014, ông Dưỡng chuyển sang nuôi heo thịt và trồng keo lai. Ông đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng trại nuôi heo thịt 1.460m2 theo công nghệ nuôi trong nhà lạnh và trồng 10ha keo lai. Hiện nay, trại heo cung cấp 1.200 con/lứa, mỗi năm 2 lứa, lãi 500 - 600 triệu đồng; đồi keo lai phát triển tốt.
Ở Cam Lâm còn có nhiều CCB đã nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng như: CCB Nguyễn Hữu Tường (xã Cam Thành Bắc) nuôi gà đẻ trứng trong trại lạnh, thu nhập 400 - 500 triệu đồng/năm; CCB Nguyễn Văn Thường (xã Cam Hiệp Bắc) trồng xoài Đài Loan, mít Nghệ, thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm; CCB Phùng La (xã Cam Hải Tây) trồng xoài Úc, thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm; CCB Phan Đình Dục (xã Suối Tân) chăn nuôi gà, heo, trồng cây ăn quả, thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm… Nhiều hội cơ sở đi đầu trong phát triển kinh tế như các hội CCB: xã Suối Tân, xã Cam Thành Bắc, xã Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam, thị trấn Cam Đức.
Phát huy vai trò hội
Theo ông Nguyễn Hồng Kinh - Chủ tịch Hội CCB huyện, đạt kết quả trên là nhờ hội nhận được sự chỉ đạo, quan tâm của Hội CCB tỉnh, các đoàn thể và chính quyền địa phương. Mặt khác, hội khuyến khích hội viên tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; động viên CCB phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình từ quy mô nhỏ lên quy mô vừa và lớn. 5 năm qua, các cấp hội cũng phối hợp tổ chức và gửi hơn 350 lượt cán bộ, hội viên tham gia tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phòng, chống dịch bệnh.
Phong trào thi đua CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi đã phát huy được tính năng động, sáng tạo của các cấp hội và hội viên. Qua 5 năm, đến nay, huyện hội có 7 trang trại, gia trại nuôi heo, gà và hàng chục héc-ta vườn cây ăn quả; xây dựng được 45 mô hình kinh tế lớn nhỏ, góp phần tạo ra hơn 350 việc làm mới. Toàn huyện hội có 778 hộ CCB khá, giàu trong tổng số 1.150 hộ, đạt 67,6%.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, các hộ CCB còn hiến gần 7.000m2 đất trị giá hàng trăm triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn; ủng hộ gần 500 triệu đồng xây dựng các công trình phúc lợi trên địa bàn; xây dựng 42 con đường do CCB tự quản với tổng chiều dài gần 43km... “Giai đoạn 2016 - 2021, Hội CCB huyện phấn đấu nâng tỷ lệ hộ CCB khá, giàu lên 68%”, ông Nguyễn Hồng Kinh cho biết.
T. MAI