Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc quản lý, giám sát các dự án được Chính phủ bảo lãnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc quản lý, giám sát các dự án được Chính phủ bảo lãnh.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay; tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, thông tin, báo cáo đối với các dự án được Chính phủ bảo lãnh; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ các dự án bảo lãnh kém hiệu quả, nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể.
Hạn chế việc cho vay ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ nếu doanh nghiệp vẫn còn có thể huy động từ các nguồn vốn khác. Các doanh nghiệp phải nỗ lực tự thu xếp nguồn vốn đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, đàm phán với bên cho vay để tái cơ cấu khoản vay.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo, trong năm 2016, xem xét kỹ các dự án ngay từ giai đoạn phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh để hạn chế dần bảo lãnh Chính phủ. Từ năm 2017, tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công. Trường hợp đặc biệt cấp thiết, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp bảo lãnh Chính phủ đối với từng trường hợp cụ thể.
Báo cáo của Bộ Tài chính mới đây cho biết, tính đến ngày 31-12-2015, tổng số cam kết bảo lãnh Chính phủ là gần 26 tỷ USD, trong đó bảo lãnh vay nước ngoài hơn 21,8 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 84%. Nhưng đến hết năm 2015, tổng số nợ thực tế được Chính phủ bảo lãnh là khoảng 21 tỷ USD (bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - SBIC). Con số bảo lãnh này chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công và bằng 11,1%GDP.
Cũng từ cuối năm 2015, Chính phủ thống nhất không cấp bảo lãnh Chính phủ đối với các tập đoàn, tổng công ty có khó khăn tài chính, có nợ với quỹ tích lũy hoặc đang trong quá trình phải xử lý nợ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ hoặc nợ được Chính phủ bảo lãnh.
T.H (Tổng hợp)