Với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, thử nghiệm, chuyển giao các loại giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao cho các địa phương, 5 năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, thử nghiệm, chuyển giao các loại giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao cho các địa phương, 5 năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Đối với cây lúa, trong số 15 giống lúa mới được Trung tâm Khuyến nông tỉnh trình diễn trong 5 năm qua, có nhiều giống mới được đưa vào sản xuất đại trà, nâng cao cả về năng suất lẫn chất lượng sau thu hoạch. Đơn cử như giống Ma Lâm 214, với năng suất chạm mốc 70 tạ/ha, khả năng chống chịu sâu bệnh và thời tiết bất lợi tốt hơn. Giống lúa này đã được ứng dụng và trở thành bộ giống chủ lực của “vựa lúa” Ninh Hòa.
Thu hoạch lúa năng suất cao ở phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa |
Đối với cây công nghiệp, cây mía giống Suphanburi7 mang căn bệnh trắng lá từng một thời làm điêu đứng cho người trồng mía đã được thay thế bởi giống mới. Trong đó, giống K95-156 và Uthong 4 nhanh chóng khẳng định chỗ đứng, được người trồng mía ưu tiên chọn lựa bởi khả năng chống chịu bệnh tốt hơn và năng suất đạt mức 70 - 82 tấn/ha, cao hơn nhiều so với giống cũ.
Trong khi đó, các loại cây ăn trái đã bắt đầu hình thành nên những vùng chuyên canh. Các địa phương đã cơ bản tìm được cho mình giống cây trồng chủ lực như: cây xoài ở Cam Lâm, Cam Ranh; sầu riêng, mít ở Khánh Sơn; dừa ở Ninh Hòa; bưởi da xanh ở Khánh Vĩnh. Trên cơ sở này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức nghiên cứu, ứng dụng và trình diễn các mô hình cây ăn trái theo quy trình GAP hay VietGAP nhằm nâng cao năng suất, đặc biệt là chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn, bền vững.
5 năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã cùng người dân không chỉ ứng dụng có hiệu quả các mô hình chăn nuôi mà còn đáp ứng được yêu cầu thân thiện với môi trường. So với phương pháp chăn nuôi truyền thống, việc nuôi gà, heo trên đệm lót sinh học nhanh chóng phát huy hiệu quả. Tại các điểm trình diễn nuôi gà trên đệm lót sinh học ở huyện Diên Khánh, đàn gà khỏe mạnh, tăng trọng tốt, đặc biệt phương pháp nuôi này đã xử lý được mùi hôi cũng như ô nhiễm môi trường. Vấn đề nan giải về môi trường trong chăn nuôi heo cũng được xử lý khá triệt để khi áp dụng chăn nuôi trên đệm lót sinh học. Mô hình này được nhiều người dân chọn lựa bởi tăng gần gấp đôi về tính hiệu quả, giảm dịch bệnh…
Ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, 5 năm qua, đơn vị đã trình diễn 24 mô hình khuyến nông tại 435 điểm trình diễn với tổng diện tích hơn 168ha. Trong giai đoạn tới, trung tâm tiếp tục khuyến khích, quảng bá, hướng dẫn nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới như: quy trình theo tiêu chuẩn VietGAP, quy trình quản lý cây trồng tổng hợp ICM, các giống cây trồng mới… vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chất lượng cao và bền vững.
Tại lễ tổng kết, đánh giá các mô hình khuyến nông giai đoạn 2011 - 2015 ở Khánh Hòa được tổ chức mới đây, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhấn mạnh: “Có thể nhìn nhận hoạt động khuyến nông của Khánh Hòa trong những năm qua không chỉ giúp ứng dụng các giống mới có năng suất, hiệu quả hơn, mà còn đặc biệt coi trọng tính bền vững trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh các cây trồng, vật nuôi đang phát huy lợi thế, ngành Khuyến nông tỉnh cần nghiên cứu các cây trồng, vật nuôi đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đang có sức hút lớn, chẳng hạn như: nuôi bò thịt, rau an toàn, cây dược liệu… Trong giai đoạn tới, cần chú trọng đến công tác tham quan các mô hình hiệu quả, tăng cường tính thực tiễn trong hoạt động khuyến nông…”.
H.Đ