10:07, 06/07/2016

Cần được phân cấp nhiều hơn

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) TP. Nha Trang, Thành ủy Nha Trang đã kiến nghị nhiều nội dung theo hướng phân cấp nhiều hơn cho thành phố. 
 

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) TP. Nha Trang, Thành ủy Nha Trang đã kiến nghị nhiều nội dung theo hướng phân cấp nhiều hơn cho thành phố. 
 
Xây dựng Nha Trang thành vùng phát triển động lực của tỉnh
 
Xây dựng Nha Trang thành đô thị hạt nhân
 
Tại Hội nghỉ Tỉnh ủy lần thứ 4 (tổ chức ngày 29 và 30-6), Tỉnh ủy đã thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển KT-XH TP. Nha Trang đến năm 2020 với mục tiêu: tập trung phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế; tăng cường huy động các nguồn vốn để từng bước đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất, kinh doanh; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội và môi trường bền vững ở đô thị và nông thôn nhằm xây dựng TP. Nha Trang trở thành đô thị hạt nhân, đô thị trung tâm, góp phần vào sự phát triển của tỉnh. 
 
Đẩy mạnh phát triển tổng hợp kinh tế biển nhằm phát huy các lợi thế, tiềm năng phát triển của thành phố và bảo vệ chủ quyền biển, đảo; trong đó, tập trung phát triển kinh tế hàng hải (dịch vụ cảng biển), kinh tế du lịch biển, đảo, kinh tế thủy sản (nuôi trồng, đánh bắt hải sản gắn với đảm bảo vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo).
Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 06 ngày 4-4-2011 của Tỉnh ủy (khóa XVI) về đẩy mạnh phát triển KT-XH TP. Nha Trang giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020, Thành ủy Nha Trang đánh giá, đến năm 2015, hầu hết các mục tiêu chủ yếu trong nghị quyết đề ra đều hoàn thành. Tất cả các lĩnh vực như: công tác lập quy hoạch, quy hoạch chi tiết xây dựng các khu đô thị, khu chức năng; phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại; phát triển công nghiệp, nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, cơ sở hạ tầng du lịch… đã có bước phát triển đáng kể. 
 
Công tác quy hoạch được các cấp, ngành đặc biệt chú trọng. Đến cuối năm 2015, toàn bộ TP. Nha Trang đã được phủ kín quy hoạch tỷ lệ 1/2000. UBND tỉnh đã có chủ trương cho các nhà đầu tư nghiên cứu thực hiện những dự án du lịch nghỉ dưỡng ở Trí Nguyên, Hòn Một, Hòn Tre, khu vực dọc Đại lộ Nguyễn Tất Thành, Trung tâm đô thị Thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch Nha Trang… Với vị trí, tiềm năng và thế mạnh của mình, Nha Trang đã thu hút được nhiều dự án phát triển khu đô thị (KĐT) mới theo hướng văn minh, hiện đại như: KĐT Vĩnh Điềm Trung, KĐT An Viên, KĐT mới Phước Long, KĐT mới Vĩnh Hòa, KĐT Mỹ Gia, KĐT khu vực tây Lê Hồng Phong. Trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã huy động được nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm tạo động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững. Nhiều công trình quan trọng, tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển KT-XH của thành phố đã được đầu tư như: hoàn thành dự án cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang (giai đoạn 1), cải tạo nâng cấp Cảng cá Vĩnh Lương, Cảng cá Hòn Rớ; đang đầu tư các công trình: chỉnh trị hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường, hệ thống thoát lũ từ cầu Phú Vinh về đầu sông Tắc, hệ thống thoát nước mưa khu vực Nam Hòn Khô, đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng, đường Phong Châu, các tuyến đường ở khu vực phía tây đường Lê Hồng Phong, hồ chứa nước Đắc Lộc, khu tái định cư Hòn Rớ 2, khu tái định cư Phước Hạ…
 
Cụm công nghiệp Đắc Lộc được đầu tư hạ tầng tương đối đồng bộ, bước đầu đã thu hút được các doanh nghiệp đăng ký và chuyển nhà xưởng vào sản xuất. Bên cạnh đó, Cụm công nghiệp Trảng É đang được đầu tư nhằm di dời các nhà máy của Tổng Công ty Khánh Việt và tiếp nhận một số cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố…
 
Kiến nghị phân cấp nhiều hơn cho thành phố
 
Thực hiện cơ chế phân cấp quản lý và tài chính theo Nghị quyết 06, trong thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh ủy quyền, phân cấp cho TP. Nha Trang quản lý nhà nước trên các lĩnh vực KT-XH, nhất là về quản lý đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng, tài chính và ngân sách, cấp phép trong lĩnh vực xây dựng… bước đầu đã tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Thành phố đã và đang tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội và quy hoạch, xây dựng đô thị theo đúng hướng Nghị quyết 06 đã đề ra. 
 
Một góc TP. Nha Trang. Ảnh: BKH
Một góc TP. Nha Trang. Ảnh: TRẦN MINH NGỌC
 
Theo ông Trần An Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Nha Trang, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển KT-XH TP. Nha Trang trong giai đoạn tới, Thành ủy đã thống nhất kiến nghị tỉnh 2 nội dung lớn. Thứ nhất, thực hiện đồng bộ các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 cho TP. Nha Trang và có các cơ chế, chính sách để thành phố thực hiện. Thứ hai, phân cấp đồng bộ, toàn diện cho thành phố để thực hiện hiệu quả một số dịch vụ công ích trên địa bàn. Ngoài ra, thành phố đã kiến nghị UBND tỉnh nhiều nội dung cụ thể trên từng lĩnh vực nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra. 
 
Thành ủy kiến nghị UBND tỉnh cho phép thành phố được giao đất cho hộ, cá nhân không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch đất ở đối với các trường hợp: thay đổi lộ giới đường giao thông; đất dôi dư sau giải tỏa, mở đường, lối đi không còn sử dụng chung có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa (trừ trường hợp thửa đất hộ, cá nhân đang sử dụng có nguồn gốc do trúng đấu giá, hóa giá, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước)…
 
Bên cạnh đó, kiến nghị phân cấp cho thành phố thực hiện thẩm định và phê duyệt các dự án phát triển nhà ở bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước có mức vốn đến 30 tỷ đồng (không tính tiền sử dụng đất); thỏa thuận đầu tư các dự án phát triển nhà ở bằng nguồn vốn không phải từ ngân sách nhà nước có số lượng nhà ở dưới 500 căn; theo dõi và quản lý nhà công sở thuộc thẩm quyền của thành phố; căn cứ vào định mức, đơn giá của tỉnh ban hành để lập và phê duyệt dự toán dịch vụ công ích đô thị hàng năm mà không phải trình UBND tỉnh phê duyệt. 
 
Đồng thời, kiến nghị bổ sung biên chế quản lý đô thị của các xã, phường nhằm tăng cường công tác quản lý cấp cơ sở, giảm áp lực xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của người dân trên lĩnh vực này cho thành phố; phân bổ thêm biên chế cho thành phố hoặc cho phép UBND thành phố tùy khả năng ngân sách được chủ động hợp đồng thêm lao động đối với các cơ quan, đơn vị có nhu cầu bức thiết; cho phép thành phố lập thí điểm lực lượng thanh tra chuyên ngành du lịch, tài nguyên và môi trường, y tế; chuyển văn phòng đăng ký đất đai về thành phố quản lý…
 
Thành ủy cũng kiến nghị phân cấp tăng thẩm quyền cho thành phố trong công tác kiểm tra các cơ sở lưu trú du lịch từ 3 sao trở xuống; bố trí kinh phí chi sự nghiệp y tế cho cấp xã; bổ sung kinh phí thu gom xử lý rác, thoát nước, chăm sóc cây xanh, điện chiếu sáng của một số khu đô thị, khu tái định cư đã được tỉnh giao thành phố quản lý; tăng định mức phân bổ cho chi sự nghiệp kinh tế, môi trường và chi đầu tư phát triển; phân cấp cho thành phố được quyết định tỷ lệ % phân chia các khoản thu giữa ngân sách cấp thành phố và ngân sách cấp xã…
 
Được biết, ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh giải quyết, đề xuất cấp có thẩm quyền, trả lời các kiến nghị của Thành ủy Nha Trang.
 

Một số chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020:

 
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng: dịch vụ - du lịch, công nghiệp - xây dựng, nông - lâm - thủy sản; giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố chiếm 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chiếm hơn 40% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh; doanh thu du lịch chiếm hơn 90% tổng doanh thu du lịch của tỉnh; 100% xã đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ của TP. Nha Trang đề ra đến năm 2020…

N.D