Tiêu thụ xi măng nội địa tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2015; xuất khẩu khởi sắc ghi nhận sự nỗ lực của doanh nghiệp trong ngành 6 tháng đầu năm 2016.
Tiêu thụ xi măng nội địa tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2015; xuất khẩu khởi sắc ghi nhận sự nỗ lực của doanh nghiệp trong ngành 6 tháng đầu năm 2016.
Tiêu thụ và xuất khẩu đều tăng |
Theo thống kê của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), tiêu thụ xi măng 6 tháng đầu năm (cả xi măng và clinker) đạt 38,77 triệu tấn, bằng 112,4% so với cùng kỳ năm 2015 và đạt 51,01% kế hoạch năm 2016. Trong đó, tiêu thụ xi măng nội địa của cả nước đạt 29,92 triệu tấn, bằng 114,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Lý giải mức tiêu thụ xi măng nội địa tăng 14,8% so với năm 2015, ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng - khẳng định: Các dự án đầu tư không giảm, thị trường bất động sản sôi động trở lại, nhiều công trình được khởi công xây dựng là yếu tố khiến tiêu thụ xi măng tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2015.
Không chỉ tiêu thụ nội địa khởi sắc, xuất khẩu xi măng và clinker 6 tháng đầu năm đạt 8,85 triệu tấn, bằng 105% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2016 đạt 1,61 triệu tấn; riêng xuất khẩu sản phẩm xi măng tháng 6 đạt 1,5 triệu tấn, bằng 100% so với tháng 5/2016 và bằng 117,2% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam - dự báo năm 2016, cả nước sẽ tiêu thụ 59-60 triệu tấn xi măng nhưng đến nay, lượng xi măng tiêu thụ 6 tháng đầu năm đã đạt 29,92 triệu tấn. Do đó, mục tiêu đặt ra năm nay hoàn toàn khả quan.
Tối ưu hóa sản xuất, giữ vững thị phần
Đại diện Vụ Vật liệu xây dựng cho rằng, sắp bước vào “tháng ngâu”, tiêu thụ xi măng sẽ chậm hơn so với 6 tháng đầu năm. Vì vậy, việc giữ vững thị phần, tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí trở thành nhiệm vụ trọng tâm của các DN sản xuất xi măng.
Để khơi thông thị trường, giữ vững thị phần, Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch đã tiến hành sắp xếp lại hệ thống phân phối, các nhà phân phối trên cùng một địa phương được phân định rõ khu vực, hạn chế tình trạng cạnh tranh lẫn nhau. Ông Lê Thành Long - Giám đốc Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch - chia sẻ, Vicem Hoàng Thạch đang tập trung chuẩn hóa cấu trúc thương hiệu, hoàn thiện tổ chức hệ thống nhà phân phối chính, xây dựng lực lượng bán hàng chuyên nghiệp hơn với mục tiêu giữ vững thị phần tại các địa bàn cốt lõi, tiếp cận, mở rộng sang địa bàn mới.
Cùng với nỗ lực tìm kiếm thị trường, các DN sản xuất xi măng đang áp dụng nhiều giải pháp tiết giảm chi phí. Ông Trần Việt Thắng - Tổng giám đốc Vicem - cho biết, tổng công ty sẽ tập trung hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2016 ngay từ quý III, trong đó, giải pháp để giảm chi phí nhiên liệu là một trong những ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, tiếp tục rà soát các chỉ tiêu, định mức tiêu hao năng lượng, xây dựng định mức mới nhằm vừa đảm bảo ổn định sản xuất, chất lượng sản phẩm vừa tối ưu hóa hoạt động thiết bị, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.
Đồng tình với quan điểm trên, theo ông Lê Văn Tới, các DN xi măng cần có những giải pháp sản xuất và tiêu thụ hợp lý, tránh gây thêm áp lực cho tiêu thụ trong nước. Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan thúc đẩy chương trình sử dụng các sản phẩm xi măng như làm đường bê tông xi măng, vật liệu xây không nung… nhằm gia tăng sức tiêu thụ trong nước.
Đến năm 2018, công suất các nhà máy xi măng sẽ tăng lên đáng kể khi nhiều dây chuyền mới đi vào sản xuất. Vì vậy, để cân đối cung - cầu xi măng, cần có sự điều hành linh hoạt từ cơ quan quản lý nhà nước.
Theo baocongthuong