06:07, 28/07/2016

Mở rộng kênh phân phối: Doanh nghiệp còn gặp khó

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã tích cực mở rộng kênh phân phối ở những khu vực có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn. 

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã tích cực mở rộng kênh phân phối ở những khu vực có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn.  


Chú trọng mở rộng kênh phân phối  


Thành lập năm 2011, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu D&T (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) chuyên sản xuất bùn khoáng và rong nho biển. Ông Nguyễn Quang Duy - Giám đốc công ty cho biết, khi mới khởi nghiệp, đơn vị chỉ có 1 - 2 nhà phân phối, người tiêu dùng chưa biết nhiều đến sản phẩm. Để phát triển thị trường, công ty đã thực hiện marketing online, tổ chức hội nghị khách hàng, phát sản phẩm miễn phí cho khách hàng dùng thử, tích cực tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước... Đến nay, công ty đã có 30 nhà phân phối tại các tỉnh, thành trong nước. Riêng tại Khánh Hòa, có hơn 30 điểm bán sản phẩm của đơn vị, chủ yếu ở khu phố Tây, đường Trần Phú… (TP. Nha Trang). Nhờ vậy, doanh thu bán hàng đạt khoảng 500 - 600 triệu đồng/tháng, doanh số bán hàng năm sau tăng 20 - 25% so với năm trước.

 

Sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu D&T thu hút nhiều khách hàng
Sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu D&T thu hút nhiều khách hàng


Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang cũng không ngừng đầu tư mở rộng mạng lưới bán hàng, kênh phân phối. Nếu như năm 2015, công ty chỉ mở được 2 đại lý bán hàng tại TP. Cam Ranh thì từ đầu năm 2016 đến nay, công ty đã mở thêm 10 đại lý. Theo ông Đỗ Hữu Việt - Giám đốc đối ngoại và quan hệ cộng đồng công ty, hiện nay, công ty có 3 chi nhánh ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đều có đại lý phân phối sản phẩm của đơn vị. Nhờ vậy, đơn vị đã duy trì tốt tốc độ tăng trưởng từ 15 đến 20%/năm. Tính riêng thị trường nông thôn, hàng năm, doanh số bán hàng của đơn vị đạt hơn 10 tỷ đồng. Có được kết quả trên là nhờ công ty đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu; đa dạng hóa mẫu mã với giá cả phù hợp; mở rộng kênh phân phối thông qua các hội chợ, phiên chợ hàng Việt về nông thôn…


Trong khi đó, sau 5 năm mở rộng mạng lưới bán hàng, đến nay, sản phẩm nem và giò chả các loại của Công ty TNHH Khanh Food (xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh) đã có mặt tại nhiều địa phương. Ông Đỗ Quang Dát - Giám đốc công ty chia sẻ, khi mới thành lập, đơn vị chỉ có những khách hàng nhỏ lẻ, nhưng nhờ tích cực đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác thị trường... nên đến nay công ty đã có thêm 15 đại lý bán hàng ở Diên Khánh, Nha Trang và các tỉnh thành như: Ninh Thuận, Phú Yên, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh… Doanh thu năm sau cao hơn năm trước khoảng 30%. Bình quân mỗi tháng, công ty bán khoảng 300 triệu đồng tiền hàng.


Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều DN mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng năng suất, từ đó có thể cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Một số DN hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rất tốt, mở rộng kênh phân phối có hiệu quả, tăng doanh số từ 20 đến 30%/năm...


Còn khó khăn


Tuy nhiên, trong quá trình mở rộng mạng lưới bán hàng, kênh phân phối, các DN cũng gặp những khó khăn. Để mở rộng hệ thống phân phối cần có chi phí lớn, trong khi tiềm lực của DN vừa và nhỏ còn hạn chế. Hiện nay, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, đổi mới trang thiết bị, công nghệ hiện đại; sản phẩm chưa có sức cạnh tranh cao nên hạn chế trong quá trình phát triển. Mặt khác, các đơn vị chưa có đội ngũ nhân viên có chuyên môn trong việc tiếp cận, nghiên cứu thị trường. “Việc mở rộng các kênh phân phối thông qua đại lý, chi phí mặt bằng cao, trong khi nguồn vốn lại hạn chế... DN mong muốn tỉnh tiếp tục hỗ trợ tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại nội địa, mở rộng mạng lưới phân phối; tạo điều kiện cho DN đưa hàng Việt về nông thôn; hỗ trợ DN tham gia nhiều hơn các hội chợ triển lãm…”, ông Quang Duy nói. Đây cũng là nguyện vọng của nhiều DN khác. 

   
Theo ông Đỗ Hữu Việt, tình trạng hàng giả, hàng nhái đội lốt những thương hiệu lớn còn phổ biến ở khu vực nông thôn, gây thách thức cho các DN chân chính. Giá những mặt hàng này thường rẻ hơn so với hàng thật cùng chủng loại nên dễ thu hút người tiêu dùng. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần quyết liệt hơn nữa trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ người tiêu dùng và DN chân chính… Bên cạnh đó, giúp DN tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất; tăng cường tuyên truyền, quảng bá hàng Việt đến người tiêu dùng…


Ông Võ Đình Thoại - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết, thời gian qua, từ nguồn kinh phí khuyến công và xúc tiến thương mại, đơn vị đã hỗ trợ các DN tham gia hội chợ triển lãm tại Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp... Năm 2016, trung tâm tổ chức 4 phiên chợ hàng Việt về nông thôn; trong đó có 2 phiên chợ thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, 2 phiên chợ thuộc chương trình xúc tiến thương mại địa phương. Qua đó, tạo điều kiện cho các DN quảng bá thương hiệu, mở rộng kênh phân phối, phát triển thị trường nông thôn. Bên cạnh đó, trung tâm còn phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử; phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại xây dựng, duy trì trang web của các DN để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng…  


NGUYỄN KIM