10:07, 04/07/2016

Keo rớt giá

Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) là một trong những địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn. Những năm gần đây, người dân địa phương tập trung trồng keo đã giúp nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Tuy nhiên, hiện nay, keo rớt giá khiến đời sống nhiều người dân bị ảnh hưởng. 

Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) là một trong những địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn. Những năm gần đây, người dân địa phương tập trung trồng keo đã giúp nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Tuy nhiên, hiện nay, keo rớt giá khiến đời sống nhiều người dân bị ảnh hưởng.  

 

Keo rớt giá đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân huyện Khánh Vĩnh.
Keo rớt giá đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân huyện Khánh Vĩnh.


Ông Nguyễn Văn Hy (xã Khánh Nam) cho biết: “Trước đây, 1ha keo nằm ở vị trí thuận lợi, chăm sóc tốt, sau 4 năm có thể bán được hơn 60 triệu đồng nhưng giờ chỉ được khoảng 45 - 50 triệu đồng. Trong khi đó, để trồng được 1ha keo, người dân đầu tư khoảng 15 - 17 triệu đồng mua giống và công chăm sóc. Gia đình tôi có 2ha keo đang độ tuổi khai thác, nếu chấp nhận bán thì thất thu 20 triệu đồng”.


Không chỉ xã Khánh Nam, người trồng keo ở các địa phương khác như: Khánh Thượng, Giang Ly, Cầu Bà, Khánh Bình, Khánh Đông… cũng đứng ngồi không yên vì keo rớt giá. Ông Nguyễn Văn Ngọc - Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Đông cho biết: “Trên địa bàn xã có 600ha keo, trong đó 250ha đang ở độ tuổi khai thác. Đời sống người dân địa phương chủ yếu phụ thuộc vào cây keo. Vì vậy, khi keo rớt giá, họ cũng bị ảnh hưởng”. Cũng theo ông Ngọc, giá keo do nhà máy và đầu nậu thu mua quyết định. Họ mua bao nhiêu thì người dân biết bấy nhiêu. Ngoài ra, trong những năm qua, diện tích keo tăng đột biến nên giá hạ là điều dễ hiểu.


Còn ông Nguyễn Văn Triết (xã Khánh Bình) cho hay: “Sở dĩ keo rớt giá là do có sự thay đổi trong phương thức thu mua keo của các đầu nậu. Hiện nay, họ thu mua theo trọng lượng chứ không mua theo khối (theo cách đo ster) như trước đây. Nếu đo theo ster thì keo khai thác non cũng không ảnh hưởng đến thu nhập, vì keo càng non càng nhẹ ký. Muốn keo nặng hơn, người trồng phải để lại thêm 1 - 2 năm nữa, chứ keo chỉ mới 3 - 4 tuổi mà đã khai thác thì sẽ thất thu. Ngoài ra, giá keo bán tấn hiện nay cũng giảm, nếu như cách đây vài tháng, giá keo còn ở mức 1,2 triệu đồng/tấn thì giờ chỉ còn khoảng 1 triệu đồng/tấn”.


Thực tế ở Khánh Vĩnh hiện nay, chỉ những hộ có điều kiện mới giữ rừng keo lại, còn những hộ khó khăn, gia đình có việc đột xuất đều bán keo non cho các đầu nậu, bởi nếu giữ lại thì hiệu quả cũng không tăng được nhiều. Ông Hà Sơn (xã Cầu Bà) cho hay: “Gia đình tôi vừa bán 2ha keo gần 3 năm tuổi với giá chỉ 30 triệu đồng cho đầu nậu; trong khi vốn đầu tư và công chăm sóc đã hơn 20 triệu đồng”. Hỏi tại sao rừng keo chỉ vừa khép tán ông đã vội bán, ông bảo: “Do nhà tôi thiếu tiền cho con gái cưới chồng nên đành bán keo non để có tiền lo cho con. Giá keo hiện nay cũng rất thấp, nếu để lại chưa chắc đã hiệu quả hơn nên tôi quyết định bán”.

 

Ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Diện tích keo trên địa bàn huyện tăng nhanh trong thời gian qua. Đến nay, toàn huyện có khoảng 3.000ha keo, trong đó có khoảng 700ha đang ở độ tuổi khai thác. Địa phương định hướng người dân chỉ phát triển cây keo trên đất lâm nghiệp. Về giá keo, thời gian gần đây có sự biến động, giá keo đang giảm khiến người trồng keo gặp khó khăn.

Được biết, hiện nay, khó khăn lớn nhất nằm ở khâu tiêu thụ, bởi keo rên địa bàn được thu mua chủ yếu từ 2 doanh nghiệp chế biến dăm gỗ xuất khẩu. Điều này dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu hoặc việc xuất khẩu dăm gỗ của các doanh nghiệp gặp khó khăn thì keo sẽ mất giá. Huyện Khánh Vĩnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở thu mua và xây dựng nhà máy chế biến keo nguyên liệu tại địa phương để nâng cao hiệu quả, giúp người dân an tâm trồng rừng. Được biết, đã có doanh nghiệp đến khảo sát và dự định đặt nhà máy tại xã Khánh Trung, nhưng đến nay vẫn chưa thấy doanh nghiệp này trở lại đặt vấn đề đầu tư.


Theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, xuất khẩu dăm gỗ sẽ được hạn chế dần với mục đích nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng. Bên cạnh đó, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non xuất khẩu dăm gỗ sang khai thác gỗ lớn nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Vì vậy, hạn chế việc mua bán keo non, giữ lại rừng keo cho người dân là điều hết sức cần thiết. Vấn đề nhiều người quan tâm nhất hiện nay là việc tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị cho sản phẩm rừng trồng. Muốn vậy, việc phát triển công nghiệp chế biến lâm sản gắn với vùng nguyên liệu là vấn đề cấp bách hiện nay.


HẢI LĂNG