10:07, 04/07/2016

Dồn điền đổi thửa: Vạn sự khởi đầu nan

Những năm qua, công tác dồn điền đổi thửa ở Khánh Hòa đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, hoạt động có tính chất thay đổi cả về quy mô lẫn nhận thức trong sản xuất nông nghiệp này đã gặp phải không ít gian nan.
 

Những năm qua, công tác dồn điền đổi thửa ở Khánh Hòa đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, hoạt động có tính chất thay đổi cả về quy mô lẫn nhận thức trong sản xuất nông nghiệp này đã gặp phải không ít gian nan.
 
Kết quả bước đầu
 
Cam Lâm là địa phương đầu tiên của tỉnh triển khai thực hiện dồn điền đổi thửa. Đến cuối năm 2012, huyện Cam Lâm đã có 7 xã thực hiện công tác này với tổng diện tích trên 180ha, trong đó có 119,4ha trồng lúa và 63,1ha trồng màu. Để biến 1.431 thửa ruộng thành 590 thửa và đầu tư lại gần như toàn bộ hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, dự án này đã được đầu tư tới 13,83 tỷ đồng. Trên cơ sở kết quả và đánh giá kinh nghiệm từ việc dồn điển đổi thửa của huyện Cam Lâm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai dồn điền đổi thửa trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2015. Theo đó, có 10 xã trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố đã đăng ký tham gia.
 
Cánh đồng lớn ở xã Ninh Quang cho năng suất cao hơn 10% so với vùng lân cận.
Cánh đồng lớn ở xã Ninh Quang cho năng suất cao hơn 10% so với vùng lân cận.
 
Trong đó, xã Diên Điền với gần 15 tỷ đồng đầu tư, toàn bộ diện tích 54ha đã được san nền, tạo mặt bằng chung, sau đó phân thành 7 lô ruộng chính, bao gồm 220 thửa ruộng có diện tích từ 2.000 đến 2.500m2. So với trước đó là 937 thửa, với diện tích nằm trong khoảng từ 30 đến gần 2.000m2 phân bố không đồng đều, Diên Điền đã biến nơi đây thành một khu sản xuất lúa năng suất cao hiện đại, quy chuẩn, mỗi ô ruộng đều có hệ thống giao thông, thủy lợi vào tận nơi. Tương tự như Diên Điền, các xã: Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa), Vạn Lương (huyện Vạn Ninh) với quy mô nhỏ hơn cũng đã thực hiện các dự án dồn điền đổi thửa và bước đầu đạt được hiệu quả nhất định. 
 
Theo ông Đặng Ân - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Quang, 14ha dồn điền đổi thửa tại xã không chỉ mang lại diện mạo mới cho hoạt động sản xuất nông nghiệp nơi đây, mà năng suất trên cánh đồng mẫu đã tăng khoảng 10% so với trước, từ 55 tạ/ha tăng lên 60 tạ/ha; một số khu vực cá biệt có thể lên đến 80 tạ/ha. Ông Nguyễn Giáo - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Lương nhìn nhận: “Toàn xã có hơn 670ha đất gieo trồng, trong đó chủ yếu là cây lúa. Với hơn 13ha đã được đầu tư xây dựng dồn điền đổi thửa, kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng, năng suất bình quân của cây lúa đã nâng từ 60 tạ lên 67 tạ/ha. Chúng tôi mong muốn chính sách dồn điền đổi thửa tiếp tục được nhân rộng nhằm hình thành các vùng sản xuất quy mô, chuyên canh, hiệu quả”.
 
Ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Mặc dù công tác dồn điền đổi thửa tại Khánh Hòa triển khai trong giai đoạn ngắn, vốn ít, nhưng qua 3 năm triển khai có thể rút ra bài học kinh nghiệm. Đó là nơi nào cấp ủy, chính quyền thực sự quan tâm sâu sát đến dồn điền đổi thửa thì nơi đó được triển khai và nhận được sự đồng tình của người dân. 
 
Ông Nguyễn Ngô - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh: Trong các lần tiếp xúc cử tri mới đây, người dân lo lắng về đầu ra sản phẩm, chi phí sản xuất khi thực hiện dồn điền đổi thửa. Đó là những bài toán cần phải được các sở, ngành, địa phương tìm ra lời giải trước khi thực hiện công tác này.
 
Bên cạnh các cánh đồng lúa, hoạt động dồn điền đổi thửa đối với một số cây trồng khác cũng đã bắt đầu phát huy ưu thế. Ở xã Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm), với hơn 5 tỷ đồng được đầu tư vào 28ha trồng mía, 64 thửa mía đã được dồn xuống còn 31 thửa, những thửa ruộng đã ngay hàng thẳng lối hơn, con đường vào khu sản xuất đã được mở rộng, thuận tiện cho việc áp dụng cơ giới vào sản xuất, thu hoạch. Năng suất cũng đã tăng lên đến con số 65 tấn mía/ha, cao hơn 10 tấn/ha so với trước.
Còn nhiều thách thức
 
Quá trình dồn điền đổi thửa đã và đang mang về hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, việc thay đổi không chỉ là ruộng đất của người dân, mà còn gần như toàn bộ tập quán, thói quen sản xuất, hẳn nhiên chẳng hề dễ dàng. Trong đó, sự đồng thuận của người dân, yếu tố tiên quyết trong quá trình dồn điền đổi thửa không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi. Giai đoạn 2013 - 2015, có 10 địa phương đăng ký dồn điền đổi thửa, với tổng diện tích gần 200ha, kinh phí thực hiện hơn 81 tỷ đồng. Nhưng quá trình thực hiện chỉ được 4 cánh đồng, diện tích chỉ bằng một nửa so với số đăng ký, số vốn cũng chỉ vỏn vẹn chưa đầy 25 tỷ đồng. Bên cạnh nguyên nhân nguồn vốn thực hiện, còn chưa có sự đồng thuận cao của người dân một số địa phương. Đơn cử như trường hợp của xã Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh), địa phương này quyết định chọn cánh đồng Đồi Đá Trắng chuyên trồng mía, với diện tích 30ha để thực hiện dự án dồn điền đổi thửa nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai. Lý do là người dân đã quen canh tác trên phần đất của mình và không muốn đổi sang canh tác ở khu vực khác, mức độ màu mỡ của các vùng đất không đồng đều… 
 
Ngoài ra, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số khu vực sau khi dồn điền đổi thửa, người dân vẫn sản xuất theo tập quán cũ, không đồng bộ, đồng nhất; sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chưa phát huy tối đa ưu thế mà dồn điền đổi thửa có thể mang lại. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền địa phương một số nơi chưa quan tâm đúng mức tới quá trình dồn điền đổi thửa; hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển biến nhận thức chưa được đẩy mạnh.
 
Cần sự đồng lòng
 
Ông Tào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Dồn điền đổi thửa nhằm khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chẳng hạn như: lúa, mía, cây ăn trái, rau màu… phù hợp với điều kiện đất đai, lợi thế canh tác từng địa phương. Hoàn thiện hệ thống thủy lợi, giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nông dân có điều kiện cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, làm tăng hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, tăng thu nhập cho người dân trên cùng một diện tích sản xuất.
 
Trong cuộc họp tổng kết công tác dồn điền đổi thửa ở Khánh Hòa giai đoạn 2013 - 2015 vừa được tổ chức mới đây, đồng chí Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới tiến hành khảo sát từng địa phương, chọn ít nhất mỗi huyện 1 mô hình để xây dựng cánh đồng lớn; rà soát, xem xét lại tất cả các chính sách về dồn điền đổi thửa của các địa phương nổi bật trên cả nước, so sánh với địa phương mình xem còn thiếu cái gì để bổ sung kịp thời; rà soát, khảo sát, đánh giá lại toàn bộ các hợp tác xã nông nghiệp, xem các chính sách đã đến được với hợp tác xã hay chưa? Sở Tài chính dành một phần kinh phí, mỗi năm ít nhất 10 tỷ đồng để phục vụ cho công tác dồn điền đổi thửa. Sở Công Thương ngay từ khi bắt đầu thực hiện dự án, phải tiến hành xúc tiến, bán được sản phẩm, đưa điện tới nội đồng các vùng chuyên canh. Sở Tài Nguyên và Môi trường chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố cấp sổ đỏ cho những cánh đồng đã thực hiện xong, kinh phí thực hiện cấp huyện tự chủ động; hướng dẫn các chính sách cho người dân trong quá trình dồn điền đổi thửa. Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành nghiên cứu các đối tượng cây trồng cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng để chuyển đổi cho người dân. Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh việc hỗ trợ nông dân triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả và nhân rộng các mô hình đó. Đặc biệt, UBND cấp huyện tập trung nghiên cứu, rà soát, xây dựng, đề xuất các dự án dồn điền đổi thửa, trong đó quan tâm đến tính hiệu quả, cây trồng phù hợp với địa phương theo hướng chuyên canh, quy mô lớn.
 
Có thể thấy, để quá trình dồn điền đổi thửa trong giai đoạn tới phát huy tối đa ưu thế của những cánh đồng lớn, đòi hỏi sự vào cuộc ngay từ bây giờ của các cấp, các ngành; từ đó mới có thể tranh thủ được sự đồng thuận trong nhân dân, yếu tố tiên quyết trong quá trình dồn điền đổi thửa.
 
H.Đ