10:07, 17/07/2016

Điểm tựa cho người miền núi thoát nghèo

Nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã và đang tiếp tục đến đúng đối tượng thụ hưởng, qua đó giúp những hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở miền núi đầu tư vào sản xuất để nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi, góp phần giảm nghèo bền vững…

Nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã và đang tiếp tục đến đúng đối tượng thụ hưởng, qua đó giúp những hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở miền núi đầu tư vào sản xuất để nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi, góp phần giảm nghèo bền vững…


Khấm khá hơn nhờ vốn tín dụng


Trang trại của bà Hứa Thị Minh, thôn A Xây, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh rộng 2ha nằm trên một quả đồi có độ dốc khá lớn, trồng các loại cây ăn quả. Bà Minh đã chọn nơi này lập nghiệp từ năm 1993 khi từ ngoài bắc vào đây. Lúc bấy giờ, đất sản xuất rộng nhưng năm nào “mưa thuận gió hòa” thì mới đủ ăn, còn không cứ vào mùa giáp hạt lại lâm vào cảnh chạy ăn từng bữa. Năm 2012, bà Minh được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư trồng các loại cây ăn quả như: chuối, đu đủ, mít nghệ, sầu riêng, bưởi da xanh… Đến nay, cả trang trại rộng lớn đã phủ màu xanh tươi tốt và bắt đầu cho thu nhập. Bà Minh cho biết, đã có người hỏi mua lại trang trại với giá 700 - 800 triệu đồng nhưng bà không bán, mà muốn mở rộng thêm nữa.

 

Các hộ được vay vốn đã đầu tư vào sản xuất
Các hộ được vay vốn đã đầu tư vào sản xuất


Cũng vay vốn NHCSXH để làm kinh tế, ông Đàm Văn Vi, thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh đầu tư vào nuôi hươu sinh sản và lấy nhung. Từ năm 2012 đến nay, ông Vi đã được vay vốn 2 lần với 42 triệu đồng. Hiện nay, đàn hươu 10 con của ông vừa cho thu nhập lần đầu với 5 triệu đồng từ nhung, 4 con hươu mẹ cũng mới sinh được 4 hươu con có tổng trị giá trên 30 triệu đồng. Ông Vi cho biết, tiền thu được từ bán nhung hươu, ông đầu tư mua thức ăn, mở rộng chuồng, còn hươu mẹ sinh được con nào sẽ giữ lại để tiếp tục tăng đàn.


Năm 2015, NHCSXH Chi nhánh Khánh Hòa đã cho hơn 40.000 hộ vay hơn 600 tỷ đồng; trong đó, chương trình cho hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhất là ĐBDTTS ở hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh vay hơn 250 tỷ đồng. Điều này đã và đang giúp đồng bào ở vùng miền núi thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng kỹ thuật, đưa giống mới vào trồng trọt, chăn nuôi tạo giá trị kinh tế cao hơn. Qua đó, giúp cuộc sống của các hộ là ĐBDTTS ngày càng khấm khá hơn.


Tiếp tục đồng hành cùng hộ nghèo   

    
Một trong những biện pháp làm tăng hiệu quả vốn tín dụng CSXH là việc giải ngân nguồn vốn đã phù hợp hơn với tập quán sản xuất của người dân địa phương. Theo lãnh đạo huyện Khánh Sơn, nhờ vay được vốn tín dụng chính sách vào đúng thời vụ mà nhiều hộ đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả cao như: trồng mía tím, chuối, sầu riêng, đào ao nuôi cá và tích trữ nước tưới cho mùa khô.


Tuy nhiên, hiện nay, thời hạn cho vay vốn tín dụng CSXH còn có điểm bất hợp lý. Ông Lê Đức Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, thời hạn cho vay nguồn vốn tín dụng chính sách chỉ có 3 năm thì chưa phù hợp với thực tế sản xuất của người dân miền núi. Người dân vay vốn để trồng cây ăn quả, keo… phải mất từ 4 đến 5 năm mới cho thu hoạch. Vì vậy, chưa thật sự khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao.


Lãnh đạo NHCSXH Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, năm 2016, NH tiếp tục tập trung giải ngân vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng đối với địa phương còn khó khăn, có đông hộ nghèo, cận nghèo và ĐBDTTS. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn cho vay theo hạn mức mới là 50 triệu đồng/hộ, đồng thời phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương mở lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt để khi những hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vay được vốn thì họ cũng nắm được kỹ thuật sản xuất….


NGUYÊN LÝ