Ngày 4-7, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tình hình hoạt động và công tác bảo vệ môi trường tại Cụm công nghiệp Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang.
Ngày 4-7, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tình hình hoạt động và công tác bảo vệ môi trường tại Cụm công nghiệp (CCN) Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang.
Ông Nguyễn Tấn Tuân (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) kiểm tra tại Nhà máy tách cọng thuốc lá Khatoco. |
Hạ tầng chưa hoàn thiện
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết, CCN Đắc Lộc được đầu tư năm 2006 với tổng diện tích 34,5ha, trong đó đất xây dựng các xí nghiệp gần 30ha, đất trồng cây xanh gần 5ha. Năm 2010, CCN Đắc Lộc chính thức đi vào hoạt động với đường giao thông, hệ thống thoát nước mặt, hệ thống gom nước thải… được nghiệm thu. Đến năm 2012, hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh mới được hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Hiện nay, diện tích đất trong CCN Đắc Lộc đạt tỷ lệ lấp đầy 100% với 18 dự án đã cấp phép đầu tư, trong đó có 15 dự án đã đi vào hoạt động, 3 dự án đang triển khai xây dựng. Tuy các doanh nghiệp (DN) hoạt động khá đông, trong đó có những ngành thải ra lượng lớn chất thải như tách cọng thuốc lá, chế biến thủy sản nhưng hiện nay, cơ sở hạ tầng trong CCN Đắc Lộc vẫn chưa hoàn thiện, chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Ông Võ Đình Thoại - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết: “Từ năm 2014 đến nay, các DN trong CCN đã thực hiện công tác giám sát môi trường định kỳ với tần suất và thông số giám sát theo cam kết bảo vệ môi trường được phê duyệt. Về chất thải phát sinh từ sinh hoạt đã được các nhà máy ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang thu gom định kỳ 2 lần/tuần. Chất thải nguy hại cũng không đáng kể do trong CCN chủ yếu là ngành công nghiệp sạch”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Tuân chất vấn: “Theo số liệu báo cáo của cơ quan chức năng, chỉ số môi trường đều nằm trong ngưỡng cho phép nhưng tại sao khoảng 2 năm nay, người dân xung quanh CCN Đắc Lộc vẫn luôn than phiền về tình trạng ô nhiễm?”.
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cần sớm đầu tư, đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải tập trung; sớm đầu tư, tăng diện tích cây xanh trong CCN để hạn chế tối đa khói bụi từ các nhà máy. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát môi trường cần thường xuyên kiểm tra, xử lý các đơn vị vi phạm vấn đề môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường kiểm tra, báo cáo đề xuất UBND tỉnh những vấn đề cấp thiết.
Ông Mai Văn Thắng: CCN Đắc Lộc nằm cạnh Quốc lộ 1A với nhiều nhà máy nhỏ bao quanh cũng góp phần gây ô nhiễm chung. Bên cạnh đó, hệ thống mương thoát lũ cạnh quốc lộ bị các hộ xung quanh đổ rác, xà bần, gây tắc dòng chảy, ô nhiễm môi trường. Sở đã xin ý kiến và được UBND tỉnh đồng ý sẽ nạo vét mương thoát nước dọc quốc lộ trong năm nay. Tuy nhiên, vấn đề là phải làm rõ đơn vị nào quản lý mương thoát nước này để sau khi nạo vét khơi thông thì có cách quản lý, bảo vệ cho phù hợp.
|
Sớm hoàn thiện dải cây xanh
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phương cho biết, từ khi có CCN Đắc Lộc, bộ mặt địa phương có nhiều thay đổi, tạo công ăn việc làm cho người dân vùng lân cận. Tuy nhiên, việc bố trí Nhà máy tách cọng thuốc lá Khatoco tại đây đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng trăm hộ trong khu vực. Tuy nhà máy đã tích cực tìm biện pháp khắc phục, các chỉ số đo đạc của cơ quan chuyên môn cũng khẳng định là trong ngưỡng cho phép, nhưng theo cảm nhận của chính quyền xã Vĩnh Phương và người dân thôn Đắc Lộc, khu vực này vẫn rất ô nhiễm bởi mùi, bụi và tiếng ồn. Ngay cả tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới tuy đã được công nhận nhưng người dân vẫn phản đối bởi tình trạng ô nhiễm chưa hết.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm tại Nhà máy tách cọng thuốc lá Khatoco, năm 2015, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương triển khai thực hiện dự án Mở rộng dải cây xanh cách ly quanh CCN Đắc Lộc. Dự án sẽ thu hồi 17.747m2 đất bao quanh. Theo lãnh đạo UBND xã Vĩnh Phương, có 63 trường hợp bị ảnh hưởng với số tiền bồi thường khoảng 28 tỷ đồng. Hiện nay, UBND TP. Nha Trang đã thực hiện xong hạ tầng Khu tái định cư Đắc Lộc (40 lô) và Khu tái định cư Như Xuân (14 lô, đều nằm ở xã Vĩnh Phương) để bố trí tái định cư cho 28 trường hợp đủ điều kiện. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay là có 14 trường hợp bị thu hồi đất nhưng có diện tích còn lại lớn hơn 40m2 cũng muốn Nhà nước thu hồi để đến khu tái định cư ở. Bên cạnh đó, còn có 20 trường hợp cha mẹ cho đất nhưng không có giấy tờ chứng minh nên phải xin ý kiến lãnh đạo tỉnh về việc bố trí tái định cư cho họ.
Ông Nguyễn Tấn Tuân đồng ý bố trí tái định cư cho 14 trường hợp có diện tích đất còn lại lớn hơn 40m2 và 20 trường hợp thực ở nhưng không có giấy tờ nguồn gốc đất. Đồng chí giao UBND xã Vĩnh Phương sau khi thu hồi cần quản lý chặt chẽ diện tích đất dư nằm ngoài dải cây xanh, tránh tình trạng người dân tái chiếm. “Các cơ quan chức năng cần khẩn trương thực hiện bố trí tái định cư cho người dân di dời, đảm bảo cuộc sống nơi ở mới; đồng thời nhanh chóng triển khai trồng dải cây xanh cách ly nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm của nhà máy tách cọng thuốc lá”, ông Nguyễn Tấn Tuân chỉ đạo.
Đầu tư hệ thống xử lý nước thải
Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, do không có hệ thống xử lý nước thải chung, các DN trong CCN Đắc Lộc phải tự xử lý nước thải trước khi cho chảy vào hồ điều hòa của CCN rồi tự tràn ra mương. Việc làm này khiến Chi cục Bảo vệ môi trường rất khó khăn trong việc kiểm tra mẫu nước thải. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cũng không có thiết bị để giám sát, nên việc thực hiện xử lý nước thải của DN chủ yếu trên tinh thần tự giác
.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, lực lượng cảnh sát đã nhiều lần kiểm tra để xử lý các DN gây ô nhiễm trong CCN Đắc Lộc. Tuy nhiên, khó khăn của DN hiện nay là CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải nên DN không thể đấu nối vào hệ thống chung mà phải tự xử lý.
Ông Thoại cho biết, cuối năm 2015, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Trạm xử lý nước thải và hệ thống quan trắc nước thải tự động tại CCN Đắc Lộc, do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại làm chủ đầu tư. Quy mô trạm xử lý nước thải tập trung có công suất 300m3/ngày đêm; hệ thống quan trắc nước thải tự động gồm các thông số ô nhiễm đặc trưng trong nước thải sau xử lý. Tổng đầu tư dự án là 4,71 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong năm 2017. Hiện nay, CCN Đắc Lộc thải ra môi trường khoảng 100m3 nước/ngày đêm. Dự kiến thời gian tới, lượng nước thải sẽ tăng lên đáng kể. “Để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chất lượng nước thải sau khi xử lý đạt chuẩn, đồng thời tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải và hệ thống quan trắc nước thải tự động CCN Đắc Lộc là việc làm cấp bách và cần thiết”, ông Thoại cho hay.
VĂN KỲ