Ngày 13-7, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cùng lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra thực địa tại khu vực sẽ xây dựng Cụm công nghiệp Cam Ranh và một số dự án điện mặt trời tại TP. Cam Ranh.
Ngày 13-7, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cùng lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra thực địa tại khu vực sẽ xây dựng Cụm công nghiệp (CCN) Cam Ranh và một số dự án điện mặt trời tại TP. Cam Ranh. Tại đây, ông Trần Sơn Hải chỉ đạo chỉ lập dự án trên những khu vực đất sản xuất nông nghiệp không hiệu quả hoặc hoang hóa.
Ồ ạt xin làm dự án
Khu vực giáp ranh giữa xã Cam Thịnh Đông và Cam Thịnh Tây (TP. Cam Ranh) vốn khô cằn, không thể sản xuất nông nghiệp. Cả khu vực rộng lớn hàng ngàn héc-ta với địa hình khá bằng phẳng, nhưng người dân chỉ trồng lác đác cây bắp xen lẫn cây xoài, me... Từ cuối năm 2015 đến nay, hàng loạt chủ đầu tư ồ ạt tìm về đây xin đất làm dự án phát triển điện mặt trời. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 14 nhà đầu tư xin làm dự án điện mặt trời tại khu vực này với tổng diện tích hàng ngàn héc-ta đất.
Lãnh đạo UBND tỉnh và sở, ngành, địa phương kiểm tra thực tế quy hoạch sử dụng đất tại TP. Cam Ranh |
Ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, đã có 2 doanh nghiệp được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Đó là Công ty Cổ phần Khai thác Thủy điện Sông Giang đầu tư nhà máy điện mặt trời tại thôn Hòa Sơn (xã Cam Thịnh Đông) và thôn Thịnh Sơn (xã Cam Thịnh Tây). Dự kiến, diện tích thực hiện dự án khoảng 60,7ha, công suất nhà máy 60MWp. Hiện nay, chủ đầu tư đang lập dự án đầu tư để trình UBND tỉnh phê duyệt. Còn Công ty Cổ phần Tập đoàn năng lượng Tuấn Ân đã chọn địa điểm tại thôn Thịnh Sơn (xã Cam Thịnh Tây) để đầu tư dự án có quy mô tổng công suất 10MWp, tổng vốn đầu tư 401,4 tỷ đồng, tổng diện tích thực hiện 10,6ha. Đây là đất nông nghiệp, nhưng sản xuất không hiệu quả do thiếu nước và đất bị nhiễm mặn rất nặng. Có 17 hộ thuộc diện thu hồi đất để làm dự án, đã có 14 hộ đồng ý nhận tiền bồi thường, 3 hộ còn lại vẫn đang trong quá trình vận động.
Đoàn công tác kiểm tra địa điểm xây dựng các dự án |
Mới đây, Công ty Cổ phần Xuân Trường Ninh Bình cũng xin UBND tỉnh cho phép đầu tư dự án điện mặt trời tại TP. Cam Ranh với quy mô lên đến 500ha. Ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, ngoài 2 dự án đã đồng ý cho đầu tư, các dự án còn lại phải đầy đủ hồ sơ mới tiến hành khảo sát, tổng hợp đánh giá. Tỉnh sẽ áp dụng các tiêu chí của Bộ Công Thương để đánh giá, nếu khớp các tiêu chí quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất sản xuất và phù hợp với điều kiện ở Cam Ranh thì mới chấp thuận.
Sớm đầu tư cụm công nghiệp
Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, hiện nay, ngành công nghiệp ở TP. Cam Ranh kém phát triển, chưa có dự án lớn tạo động lực. Vì vậy, tỉnh cần sớm cho đầu tư CCN Cam Ranh để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, tạo động lực phát triển kinh tế cho địa phương. Tuy nhiên, khi quy hoạch ngành nghề phát triển trong CCN cần rà soát, tính toán để đảm bảo môi trường, không ảnh hưởng đến người dân xung quanh và phát huy được các lợi thế của TP. Cam Ranh.
Đoàn công tác kiểm tra địa điểm xây dựng các dự án |
Được biết, sau khi UBND tỉnh không đồng ý chủ trương đầu tư CCN ở phường Cam Phúc Bắc, do giá đền bù giải phóng mặt bằng quá cao, UBND TP. Cam Ranh phối hợp với Sở Công Thương tiến hành khảo sát và chọn địa điểm đầu tư CCN Cam Ranh ở khu vực giáp ranh giữa xã Cam Thịnh Đông và xã Cam Thịnh Tây. Khu vực này có tổng diện tích 50ha, trong đó có 7,5ha thuộc địa bàn xã Cam Thịnh Tây. Đây là đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, không mang lại lợi ích kinh tế cho người dân.
Theo lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh, hiện nay, Công ty Kim Cương (TP. Hồ Chí Minh) đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép làm chủ đầu tư dự án CCN Cam Ranh để đầu tư kinh doanh hạ tầng tại đây. Chủ đầu tư cũng xin mở rộng CCN Cam Ranh lên 75ha, tuy nhiên, Sở Công Thương đề nghị phải hoàn thiện hạ tầng giai đoạn 1 không quá 50ha, sau khi lấp đầy trên 60% thì mới được đầu tư giai đoạn 2.
Tại buổi kiểm tra thực địa, lãnh đạo các sở, ngành và địa phương đều đánh giá khu vực để đầu tư CCN Cam Ranh đều là đất hoang hóa, lác đác cây lâu năm, không có hiệu quả kinh tế. CCN Cam Ranh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, CCN còn nằm ở vị trí thuận lợi vì giáp Quốc lộ 27B, cách Quốc lộ 1A khoảng 2km, cách Cảng Cam Ranh khoảng 7km.
Không được thực hiện dự án trên đất đang sản xuất hiệu quả
Sau khi kiểm tra khu vực sẽ xây dựng CCN Cam Ranh và các dự án điện mặt trời, đồng chí Trần Sơn Hải thống nhất các địa điểm trên. Về dự án CCN Cam Ranh, đồng chí cho rằng, địa điểm xây dựng có nhiều điều kiện thuận lợi khi phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, không có vật kiến trúc và người dân sinh sống trên đất. Bên cạnh đó, tư nhân xin đầu tư nên họ sẽ có trách nhiệm kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp, đồng thời giúp Nhà nước giảm gánh nặng ngân sách. Tuy nhiên, UBND TP. Cam Ranh cần xác định rõ mục tiêu ngành nghề trong CCN để đảm bảo môi trường; vấn đề cung cấp nước cho CCN cũng cần được tính toán, đảm bảo.
Về các dự án điện mặt trời, ông Trần Sơn Hải lưu ý không được thực hiện dự án trên đất đang sản xuất hiệu quả. UBND TP. Cam Ranh có trách nhiệm vận động, tuyên truyền 3 hộ chưa chấp thuận bồi thường để họ đồng thuận với chủ trương đầu tư của tỉnh; tạo mọi điều kiện để chủ đầu tư sớm triển khai dự án. Đối với các dự án điện mặt trời đang trong quá trình xem xét, Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Xây dựng lưu ý về quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng để có góp ý ngay từ đầu. “Các dự án điện mặt trời có đặc điểm rất tốn diện tích, dự án nhỏ nhất cũng trên 10ha. Vì vậy, cần xem xét kỹ, chỉ cho thực hiện ở những khu vực đất hoang hóa, không thể sản xuất nông nghiệp”, ông Trần Sơn Hải nhấn mạnh.
VĂN KỲ
. Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Sở Công Thương cần phối hợp với các sở, ngành và địa phương rà soát lại điều kiện thực tế của TP. Cam Ranh, khả năng đáp ứng các dự án để báo cáo UBND tỉnh; lưu ý sau khi các dự án điện mặt trời hoàn thành thỏa thuận đầu tư thì cần bổ sung gấp vào Quy hoạch điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020.
. Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh: Các nhà đầu tư ồ ạt xin làm dự án điện mặt trời tập trung ở 2 xã Cam Thịnh Đông và Cam Thịnh Tây chỉ trong thời gian rất ngắn là vấn đề cần lưu ý. Dự án điện mặt trời có thiết bị thu hút ánh nắng để tạo thành năng lượng. Nếu tập trung quá nhiều nhà máy vào khu vực liệu có gây ảnh hưởng gì không? Tôi nghĩ cần có chuyên gia đánh giá vấn đề này trước khi cấp phép.
. Ông Trần Minh Hải - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Về CCN Cam Ranh, theo tôi chỉ nên làm 40ha, còn 10ha để trồng cây xanh làm vành đai an toàn, giảm thiểu ô nhiễm, tránh ảnh hưởng đến khu dân cư xung quanh.