Mới đây, tại TP. Nha Trang, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị phân tích, tìm nguyên nhân và giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Khánh Hòa.
Mới đây, tại TP. Nha Trang, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị phân tích, tìm nguyên nhân và giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Khánh Hòa.
Doanh nghiệp than phiền “chi phí không chính thức”
Năm 2015, chỉ số PCI của Khánh Hòa đạt 58,6 điểm, xếp thứ 27/63 tỉnh thành, tụt 11 bậc so với năm 2014. Trong năm, tỉnh chỉ có 3/10 chỉ số thành phần có điểm số tăng là gia nhập thị trường, tính minh bạch và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN); các chỉ số còn lại đều bị giảm.
Hội nghị Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh |
Phân tích của các chuyên gia cho thấy, năm 2015, ở Khánh Hòa có đến 55% DN không có kế hoạch mở rộng sản xuất trong 2 năm tới, tăng 2% so với năm 2014. Trong khi đó, tại các tỉnh khác, con số này chỉ khoảng 20 - 30%. Điều này phản ánh DN vừa và nhỏ tại Khánh Hòa đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, có đến 96% khách hàng của DN vừa và nhỏ là trong nước. Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, việc phụ thuộc vào thị trường trong nước sẽ khiến hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, nhất là vài năm tới. Theo khảo sát của VCCI, hiện nay có 25% DN vừa, 21% DN nhỏ và 35% siêu nhỏ báo lỗ. Tỷ lệ DN siêu nhỏ có đất trong các khu, cụm công nghiệp chỉ 3% là quá ít.
Điều đáng nói, hiện nay, chi phí không chính thức của các DN ở Khánh Hòa khá cao và ngày càng tăng. Năm 2013, chỉ có 50% DN than phiền về chi phí không chính thức, nhưng đến năm 2015, con số này đã tăng lên đến 69%. Hiện nay, có đến 13% DN phải chi trên 10% tổng doanh thu của năm cho các chi phí không chính thức. Có đến 68% DN cho biết bị nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính; trong đó các DN vừa và nhỏ tỷ lệ bị nhũng nhiễu 70%, DN lớn 30%. Các DN lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp than phiền phải trả chi phí không chính thức nhiều nhất.
Hoạt động sản xuất kinh doanh tại Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh |
Bà Nguyễn Ngọc Lan, chuyên gia PCI (VCCI) cho biết, nhiều DN cho rằng, tỉnh cần đối xử công bằng hơn giữa các DN. Có đến 43% DN cho rằng, tỉnh ưu ái cho các DN lớn; 83% DN cho rằng, tỉnh ưu ái cho các DN có mối quan hệ chặt chẽ với tỉnh. Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh cần tập trung cải thiện vấn đề này, bởi các DN rất bức xúc, gây mất điểm khi chấm chỉ số PCI.
Phải tăng tính minh bạch
Theo bà Đặng Thị Thu Nguyệt, Trưởng đại diện VCCI tại Khánh Hòa, hiện nay, khó khăn lớn nhất mà các DN tại Khánh Hòa mắc phải là thủ tục hành chính, vốn vay, đất đai và sự cạnh tranh bình đẳng. Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh cần nâng cao tính minh bạch, giảm thanh kiểm tra tại các DN. Theo điều tra của VCCI, một năm DN lớn bị thanh tra 4 lần, còn DN nhỏ và vừa 3 lần. Trong khi đó, có 20% DN siêu nhỏ, 29% DN nhỏ cho rằng, nội dung thanh, kiểm tra trong năm bị trùng lặp. Việc thanh tra, kiểm tra quá nhiều khiến DN luôn lo sợ, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho rằng, giải quyết thủ tục hành chính ở Khánh Hòa nói riêng và nhiều tỉnh, thành trên cả nước nói chung đang gặp vấn đề ở bộ phận một cửa. “Tình trạng phổ biến là cán bộ yếu chuyên môn thì được cho về làm bộ phận một cửa để nhận hồ sơ. Họ nhận và chỉ biết đếm số lượng chứ không biết các thủ tục đó đúng hay sai, sai chỗ nào để chỉ cho người nộp về sửa, bổ sung ngay. Họ chuyển đến các phòng, ban chuyên môn, lúc đó mới phát hiện sai, thiếu. Cứ như vậy, nhiều DN bị gọi bổ sung đến 3 hoặc 4 lần dẫn đến bức xúc”, ông Hiếu phân tích.
Theo ông Hiếu, để giảm chi phí không chính thức chỉ có một giải pháp duy nhất là phải tăng tính minh bạch. Các sở phải làm thống kê xem trong quý có bao nhiêu DN nộp hồ sơ, bao nhiêu DN được nhận ngay, trả 1 lần, trả 2 lần… để từ đó phân tích, đánh giá và sửa đổi các quy định sao cho minh bạch nhất. Nếu DN bị trả hồ sơ hoặc sai phạm một vấn đề nhiều lần thì phải xem lại quy định đó. Nếu quy định có vấn đề thì phải thay đổi quy định.
Còn lúng túng
Ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, UBND tỉnh cần thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, hội nghị gặp mặt các DN, nhà đầu tư để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, khó khăn vướng mắc cũng như các kiến nghị, đề xuất của DN. Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các hội, hiệp hội trong việc phổ biến thông tin, giải quyết khó khăn cho DN. Sở Nội vụ cần thường xuyên kiểm tra mô hình tổ chức thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông ở các sở, ngành và địa phương để đảm bảo sự nhất quán giữa các ngành trong việc thực hiện một số vướng mắc. Sở Tài nguyên - Môi trường cũng cần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công bố quy hoạch sử dụng đất, rút ngắn thủ tục bồi thường đất…
Hoạt động sản xuất tại Công ty Long Sinh |
Theo ông Nam, riêng Sở Kế hoạch - Đầu tư sẽ tạo điều kiện hơn nữa để DN gia nhập thị trường. Cụ thể, sẽ hoàn thiện hơn nữa cơ chế một cửa liên thông; cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin giúp DN có thể đăng ký kinh doanh trực tuyến; nhanh chóng giải quyết khó khăn vướng mắc cho DN bằng hình thức đối thoại, tổ chức hội nghị, đường dây nóng, hộp thư góp ý…
Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết vướng mắc cho các DN, nhà đầu tư. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ban, ngành vẫn rất lúng túng trong việc tìm ra giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, bởi các cuộc đối thoại chỉ giải quyết được cụ thể vướng mắc của từng DN chứ chưa đưa ra được giải pháp ở tầm vĩ mô. “Chúng tôi mong rằng, thời gian tới, VCCI và Viện Quản lý kinh tế Trung ương phối hợp chặt chẽ với địa phương để giúp Khánh Hòa đưa ra được những giải pháp cụ thể, tháo gỡ vướng mắc của DN cũng như lúng túng của lãnh đạo tỉnh”, ông Trần Sơn Hải nói.
VĂN KỲ
Theo báo cáo của VCCI, trong số khoảng 12.000 DN tại Khánh Hòa có đến 98% DN nhỏ và vừa, trong đó có 10% DN siêu nhỏ. Mỗi năm, quy mô đầu tư trung bình của các DN khoảng 9 tỷ đồng, tuyển dụng khoảng 16 lao động. Đáng nói là tỷ lệ DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ tăng hơn so với năm 2014, cho thấy dường như các DN đang thu hẹp lại. Chính những DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ rất khó tiếp cận các thông tin, nguồn lực và gặp khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính.
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương: “Hiện nay, ở Bắc Ninh đã xây dựng xong mô hình “bác sĩ DN”. Tức là sẽ có một bộ phận độc lập chuyên đi “bắt bệnh” cho các DN, từ đó đưa ra những vướng mắc DN đang gặp phải, những giải pháp mà cơ quan chức năng cần phải làm. Có khi bộ phận “bác sĩ DN” còn gây áp lực lên chính quyền để đòi thay đổi luật, quy định cho phù hợp hơn với thực tiễn”.
Bà Nguyễn Ngọc Lan - chuyên gia PCI của VCCI: “Theo tôi, trước khi lãnh đạo tỉnh tổ chức đối thoại với DN thì các hội, hiệp hội cần có buổi làm việc riêng với nhóm DN ở cùng một lĩnh vực để lắng nghe phản ánh, tổng hợp, phân tích và đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể. Có như vậy, các cuộc đối thoại mới đạt được chất lượng và đưa ra được các nhóm giải pháp cho DN”.