Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35 ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020...
Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35 ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020, tỉnh sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển.
- Xin ông cho biết chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35 trên địa bàn tỉnh có những điểm gì đáng chú ý?
- Để thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1755 ngày 22-6-2016 ban hành chương trình hành động, trong đó, đề ra mục tiêu đến năm 2020, DN trên địa bàn tỉnh có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; toàn tỉnh có hơn 15.000 DN, trong đó có 2% DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Để đạt được những mục tiêu này, chương trình đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, trọng tâm là cải cách hành chính (CCHC); bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN; giảm chi phí kinh doanh cho DN; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN. Bên cạnh đó, tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo.
- Vậy, trong thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả công tác CCHC, tạo thuận lợi cho DN?
- Trong thời gian qua, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo công tác CCHC cũng như nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Điều này đã được phản ánh phần nào qua kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Khánh Hòa những năm gần đây. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh CCHC gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính (TTHC); công khai đầy đủ quy trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của ngành, địa phương; công khai kết quả giải quyết các khó khăn vướng mắc, kiến nghị của DN; triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian giải quyết TTHC đã được công bố; kịp thời hướng dẫn, giải quyết TTHC cho DN, nhà đầu tư.
Để nắm bắt tình hình hoạt động, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trên địa bàn, tỉnh sẽ tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất 2 lần/năm với cộng đồng DN. Bên cạnh đó, quán triệt cán bộ, công chức, viên chức về đạo đức công vụ, CCHC; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quan hệ giữa các cơ quan chức năng, công chức, viên chức nhà nước trong việc thực thi công vụ liên quan đến DN nhằm ngăn ngừa hành vi gây khó khăn, phiền hà đối với DN; kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho DN…
- Xin ông cho biết, Khánh Hòa sẽ làm gì để tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo?
- Để tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: công khai, minh bạch quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như các quy hoạch phát triển ngành; thực hiện tốt công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư để đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn ưu tiên của từng giai đoạn; kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách về khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện để các DN tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, nhất là trong việc thực hiện các dự án, công trình theo các hình thức BT, BOT và PPP trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp; khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký thành lập DN theo Luật DN; nâng cao hiệu quả nguồn vốn phát triển khoa học và công nghệ nhằm tài trợ kinh phí và hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ cho các DN. Đồng thời, nghiên cứu việc thành lập, tổ chức và vận hành các mô hình vườn ươm DN, Quỹ hỗ trợ DN để tạo điều kiện cho DN đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp theo hình thức đối tác công tư với sự tham gia của các hiệp hội DN, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn nghiên cứu, xây dựng các chương trình giảng dạy, các hoạt động, sự kiện nhằm khuyến khích, khơi dậy tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp của sinh viên, cũng như thế hệ trẻ của tỉnh…
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ triển khai nhiều giải pháp bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN; giảm chi phí kinh doanh cho DN; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN. Đó là, triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối DN theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối với các DN lớn, DN đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế. Hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, đầu tư đổi mới trang thiết bị; tạo điều kiện cho DN đăng ký và bảo hộ, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến; nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Tăng cường thu thập, cung cấp, phổ biến thông tin và các hướng dẫn thực thi cam kết trong khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế và các hiệp định kinh tế - thương mại, đặc biệt là các hiệp định - thương mại tự do thế hệ mới nhằm nâng cao năng lực hội nhập cho DN, tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu và đầu tư…
- Xin cảm ơn ông!
N.D (Thực hiện)