Bằng sự nỗ lực, cần cù trong lao động sản xuất, gia đình ông Mấu Thêm (thôn Cô Róa, xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn) không chỉ có thu nhập hàng năm lên đến hàng trăm triệu đồng, mà còn tạo việc làm thời vụ cho lao động địa phương.
Bằng sự nỗ lực, cần cù trong lao động sản xuất, gia đình ông Mấu Thêm (thôn Cô Róa, xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn) không chỉ có thu nhập hàng năm lên đến hàng trăm triệu đồng, mà còn tạo việc làm thời vụ cho lao động địa phương.
Ông Mấu Thêm chăm sóc cây trồng của gia đình |
Ông Mấu Thêm lập gia đình và tách hộ ở riêng năm 2000. Tuy có đất sản xuất nhưng hai vợ chồng lại thiếu vốn đầu tư và kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ban đầu ông trồng một số loại cây ngắn ngày như: bắp, mì để có thu nhập nuôi sống gia đình và tích lũy nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất lâu dài. Qua tìm hiểu điều kiện thực tế tại địa phương, mấy năm sau, gia đình ông quyết định trồng cà phê để dần thay thế cho các loại cây ngắn ngày. Nhờ tinh thần ham học hỏi, chịu khó chăm sóc cây trồng, đồi cà phê sau 3 - 4 năm đã mang lại nguồn thu nhập ổn định. Nhờ đó, ông có điều kiện cải thiện cuộc sống gia đình và tiếp tục đầu tư trồng một số loại cây ăn quả như: sầu riêng, chuối…
Đến nay, gia đình ông Thêm đã phát triển được hơn 1ha cà phê trồng xen sầu riêng, gần 3ha chuối; mỗi năm cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng, sau khi trừ chi phí ông thu lãi hơn 80 triệu đồng. Cùng với phát triển trồng trọt, gia đình ông còn mở quán buôn bán nhỏ, trao đổi hàng hóa và thu mua nông sản của người dân trong thôn. Tận dụng diện tích đất lâm nghiệp chưa sử dụng, năm 2015, ông trồng thêm hơn 1ha keo để phát triển kinh tế vườn rừng. Trong điều kiện thời tiết thường xuyên hạn hán, để đảm bảo năng suất các loại cây công nghiệp và cây ăn quả, ông Thêm đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, dụng cụ để tưới tiêu, phòng, chống hạn cho cây trồng. Nhờ đó, diện tích sầu riêng, cà phê của gia đình ông phát triển tốt và cho năng suất khá cao. Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, ông Thêm còn tạo việc làm thời vụ cho 5 - 6 lao động trong thôn. Bản thân ông được Hội Nông dân huyện và xã công nhận hội viên nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi.
Không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, ông Thêm còn nhiều dự định phát triển kinh tế ở phía trước. “Tuy nhiên, do điều kiện giao thông vào khu sản xuất tập trung thôn Cô Róa chưa được đầu tư hoàn thiện và nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất còn hạn chế nên hiện tại, tôi mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư làm tiếp tuyến đường vào khu sản xuất để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở đây phát triển kinh tế lâu dài”, ông Thêm kiến nghị. Ông Cao Đinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Lâm nhận xét: “Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, trong quá trình vượt khó làm giàu của hội viên Mấu Thêm luôn có sự đồng hành, hỗ trợ về kiến thức khoa học kỹ thuật và nguồn vốn của hội nông dân xã. Ông luôn tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Nhờ đó, ông Thêm đã tạo dựng được cuộc sống gia đình khá giả và nuôi dạy con cái ăn học đầy đủ”.
Mới đây, ông Thêm là hội viên nông dân đầu tiên của xã Sơn Lâm được lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm đề tài “Ứng dụng quy trình thâm canh cây cà phê kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm phù hợp với điều kiện canh tác huyện Khánh Sơn” của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để gia đình ông chăm sóc tốt hơn cho cây trồng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đinh Luận