10:03, 03/03/2016

Cơ hội thoát nghèo cho người dân

Sau 3 năm thực hiện, chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất theo Quyết định số 2233, ngày 10-9-2012 của UBND tỉnh đã mở ra hướng giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Sau 3 năm thực hiện, chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất theo Quyết định số 2233, ngày 10-9-2012 của UBND tỉnh đã mở ra hướng giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn tỉnh.


Gỡ khó cho người nghèo


Cuối năm 2013, gia đình ông Cao Văn Xiếng ở thôn Xà Bói - một trong những hộ nghèo của xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn được hỗ trợ 10 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng mía tím. Ngay sau khi nhận được tiền, ông bắt tay ngay vào việc cải tạo ruộng đất, đầu tư mua giống, phân bón để trồng mía trên 3 sào đất ruộng. Vụ đầu tiên, ruộng mía của gia đình ông bán được gần 50 triệu đồng. Lần đầu tiên cầm trên tay số tiền lớn, ông Xiếng vô cùng cảm kích trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước khi mở ra cho gia đình ông con đường thoát nghèo bền vững. Bởi từ nguồn thu nhập này, ông tiếp tục đầu tư mở rộng thêm diện tích trồng mía và mua sắm được một số máy móc, thiết bị phục vụ sinh hoạt cũng như sản xuất.

Nhờ được hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất, nên gia đình ông Cao Văn Xiếng đã thoát nghèo
Nhờ được hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất, nên gia đình ông Cao Văn Xiếng đã thoát nghèo


Theo ông Trần Tấn Chóng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp, 3 năm qua, xã đều nhận được kinh phí hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất theo Quyết định 2233 của UBND tỉnh. Với số lượng mỗi năm là 5 mô hình, xã đã lựa chọn, xét duyệt đúng đối tượng theo quy định. Căn cứ vào thực tế sản xuất của địa phương, mô hình trồng mía tím là tối ưu nhất và thực tế cũng đã mang lại hiệu quả tích cực. “Các mô hình đều được người dân đón nhận và thực hiện theo đúng hướng dẫn của xã nên kết quả mang lại rất khả quan. Đến cuối năm 2015, tất cả 15 hộ dân nhận được sự hỗ trợ này đều đã vươn lên thoát nghèo và tiếp tục có sự đầu tư sản xuất ổn định”, ông Chóng cho biết.


Theo Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2013 đến 2015, toàn tỉnh có 570 hộ được đầu tư hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất với tổng kinh phí hơn 5,6 tỷ đồng. Đến nay, đã có 318 hộ có thu nhập, trong đó có nhiều mô hình cho thu nhập cao, điển hình như: mô hình trồng mía tím ở huyện Khánh Sơn có 28 hộ tham gia cho thu nhập từ 150 đến 180 triệu đồng/ha; mô hình trồng mía đường ở huyện Khánh Vĩnh, thị xã Ninh Hòa có 29 hộ tham gia cho thu nhập bình quân 40 triệu đồng/ha; mô hình trồng bắp ở TP. Cam Ranh có 3 hộ tham gia cho thu nhập 57 triệu đồng/ha… Qua kiểm tra, đánh giá các mô hình đã thực hiện, có 23 mô hình không thành công (chiếm tỷ lệ 4%), nguyên nhân là do điều kiện nắng hạn kéo dài, dịch bệnh. Còn 229 mô hình khác đang trong quá trình triển khai, chưa cho thu hoạch, nhưng các loại cây trồng, vật nuôi được lựa chọn thực hiện mô hình đều sinh trưởng, phát triển tốt. Ông Lê Quang Ngọc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đánh giá: “Nhìn chung, các hộ dân được hưởng chính sách hỗ trợ đều tích cực sản xuất, thực hiện đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã. Đây chính là cơ sở thực tế chứng minh hiệu quả từ chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất của tỉnh”.


Tiếp tục nhân rộng mô hình


Được biết, trong 3 năm triển khai, việc lựa chọn mô hình trồng cây gì, nuôi con gì đều được các địa phương đề xuất trên cơ sở căn cứ tình hình sản xuất của từng nơi, từng vùng. Tùy theo điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, mỗi địa phương lại thu được những kết quả ở các mô hình khác nhau. Nếu như huyện Khánh Sơn thành công với mô hình trồng mía tím, nuôi heo trắng, huyện Khánh Vĩnh thành công với mô hình trồng mía đường, chuối bồ hương, nuôi dúi, thì TP. Cam Ranh lại thành công với mô hình trồng bắp, nuôi dê sinh sản, heo đen lai… Ngoài phù hợp với điều kiện từng địa phương, các mô hình được áp dụng còn phù hợp với trình độ sản xuất của người dân. Một số hộ dân đã thực hiện được những mô hình sản xuất trồng xen cây dài ngày với cây ngắn ngày, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi như: mô hình cà phê xen bắp, bưởi da xanh xen chuối, nuôi heo kết hợp trồng bưởi.

 

Ngày 10-9-2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2233 về chính sách hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất mới phát triển kinh tế hộ cho ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Trong đó, quy định về phạm vi áp dụng gồm 40 xã miền núi, xã đồng bằng có ĐBDTTS sinh sống. Đối tượng thụ hưởng là các hộ nghèo và hộ cận nghèo người ĐBDTTS. Năm đầu tiên thực hiện chính sách, mỗi xã chọn 5 hộ (3 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo) để xây dựng mô hình; từ năm thứ 2 trở đi, mỗi xã có thêm 5 hộ khác được chọn để nhân rộng mô hình sản xuất mới. Mỗi hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 10 triệu đồng để mua giống cây trồng, vật nuôi.
 

Là một chính sách nhằm hiện thực hóa Chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi của tỉnh, việc thực hiện Quyết định 2233 của tỉnh đã nhận được sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, chính quyền các cấp. Nhờ vậy, việc xét duyệt đối tượng, lựa chọn mô hình, hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra giám sát… đều được triển khai đồng bộ, thuận lợi. “Kết quả triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ ĐBDTTS xây dựng mô hình sản xuất cho thấy, đây là một chủ trương đúng của tỉnh, góp phần tạo điều kiện cho việc đầu tư phát triển sản xuất kinh tế hộ gia đình theo hướng ổn định, cho thu nhập cao”, ông Ngọc nhận xét.


Để nhân rộng mô hình trong thời gian tới, trước mắt, Ban Dân tộc tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 2233 giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, chú trọng tăng số hộ nghèo, hộ cận nghèo người DTTS được hỗ trợ từ 5 hộ/xã/năm lên 10 hộ/xã/năm để có thêm nhiều hộ được thụ hưởng chính sách. Các đơn vị: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung nghiên cứu, ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới, có khả năng thích nghi, cho năng suất chất lượng cao, phù hợp với trình độ của ĐBDTTS để tăng thêm tính hiệu quả của các mô hình. Ngoài hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình, các ngành, địa phương cần quan tâm tìm kiếm thị trường, giúp đỡ người dân tiêu thụ sản phẩm.


Có thể nói, với một chính sách hợp lòng dân và thực tế đã mang lại hiệu quả tích cực, trong những năm tới, hy vọng việc hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất đối với ĐBDTTS sẽ tiếp tục được triển khai nhằm mang đến những cơ hội thoát nghèo cho người dân.


N. Tâm