11:03, 17/03/2016

Chuyển đổi cây trồng ở Suối Tân: Hiệu quả bước đầu

Những năm gần đây, xã Suối Tân (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) là một trong những địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.

Những năm gần đây, xã Suối Tân (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) là một trong những địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.


Trước đây, hơn 1ha đất của gia đình ông Nguyễn Minh Thuận (thôn Đồng Cau) chủ yếu trồng mì nhưng thu nhập bấp bênh. Qua tìm hiểu kỹ thuật từ bạn bè, sách báo, năm 2005, ông quyết định chuyển đổi một phần diện tích sang trồng xoài. Việc chuyển đổi ban đầu cũng gặp khó khăn nhưng dần dần khi có kinh nghiệm, thu nhập từ cây xoài khá dần, ông Thuận mua thêm đất, mở rộng diện tích trồng. “Cây xoài thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, trái xoài cũng dễ tiêu thụ. Hiện nay, với khoảng 3ha đất trồng hơn 1.000 gốc xoài Tứ Quý, cát Hòa Lộc và Đài Loan, trừ chi phí, gia đình tôi lãi từ 300 đến 400 triệu đồng/năm”, ông Thuận chia sẻ.

 

Vùng đất trũng ở thôn Đồng Cau nay đã được trồng dừa xiêm
Vùng đất trũng ở thôn Đồng Cau nay đã được trồng dừa xiêm


Vườn nhà ông Dương Đức Trí (thôn Dầu Sơn) cũng từng là vườn tạp với đủ loại cây trồng như: ớt, dưa hấu, dưa leo, mía, xoài Hòa Lộc, xoài Úc… nhưng hiệu quả không cao. Sau khi tìm hiểu, năm 2009, ông Trí mạnh dạn chuyển sang trồng xoài Tứ Quý. Đặc biệt, ông học hỏi được cách cho cây xoài ra trái trái vụ, nhờ đó bán được giá cao. Đến nay, với 1.200 cây xoài Tứ Quý, trừ chi phí, gia đình ông lãi khoảng 700 - 800 triệu đồng/năm.


Nhiều hộ trồng xoài khác ở Suối Tân như: ông Ngô Trung Cung (thôn Đồng Cau), ông Nguyễn Thế Hà (thôn Dầu Sơn), ông Đặng Văn Đức, Võ Văn Hạnh, Lưu Bảy (thôn Cây Xoài)... cũng đạt hiệu quả khá sau khi thực hiện chuyển đổi cây trồng. Ông Phan Công Quỳnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Tân cho biết, đến nay, toàn xã có hơn 750ha đất trồng cây kém hiệu quả đã chuyển đổi sang trồng xoài, chủ yếu là xoài Tứ Quý (chiếm khoảng 70%). Ngoài ra, còn có xoài Úc, Đài Loan và một số cây trồng khác. Các khu vực được chọn chuyển đổi đều hợp thổ nhưỡng với cây xoài, không những thế, giá trị kinh tế của cây xoài cao hơn lúa một vụ, lại cho thu hoạch nhiều đợt. Đặc biệt, khoảng 20 - 30% hộ trồng xoài Tứ Quý còn biết điểu chỉnh cho xoài ra trái vụ nên thường lãi gấp rưỡi so với chính vụ. Nhờ vậy, thu nhập của các hộ trồng xoài đều cao hơn so với trước khi chuyển đổi cây trồng.

 

Ông Nguyễn Lai - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lâm: Suối Tân có nhiều diện tích đất phèn chua, trũng thấp, ô nhiễm, trồng cây không hiệu quả. Tuy nhiên, từ khi xã tiến hành nạo vét mương, vận động nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, hiệu quả kinh tế đã tăng đáng kể.

Ngoài ra, vài năm trở lại đây, trong xã có một số hộ chuyển đổi sang trồng chuyên dừa xiêm hoặc xen kẽ trồng xoài, chanh với diện tích khoảng 4 - 5ha, tập trung nhiều ở thôn Đồng Cau. Đây vốn là những khu vườn tạp, trồng mì hoặc lúa 1 vụ, xoài cát trắng, mít..., hiệu quả thấp, khi gặp hạn, thu hoạch rất bấp bênh. Theo chân ông Phan Công Quỳnh tới thôn Đồng Cau, chúng tôi được chứng kiến vườn dừa xiêm xanh mát đang cho trái trải dài giữa vùng đất trũng. Theo ông Nguyễn Đình Thụ, Trưởng thôn Đồng Cau, trăn trở với tình trạng đất trũng, trồng cây không hiệu quả, sau khi tìm hiểu, 2 hộ ông Nguyễn Thành A và Nguyễn Văn Lý đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dừa xiêm xen chanh, hiệu quả cao hơn hẳn so với trước.

 
Ông Phan Công Quỳnh cho biết, để giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian qua, Hội Nông dân xã đã tín chấp cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất của Ngân hàng Chính sách Xã hội hơn 6 tỷ đồng, vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 7 tỷ đồng, đồng thời vận động nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân xã 88 triệu đồng. Đó là chưa kể nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh và huyện. Thời gian tới, xã tiếp tục liên hệ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tạo điều kiện cho nông dân tham gia các cuộc hội thảo nhằm tiếp cận khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất; tiếp tục giúp bà con tiếp cận các nguồn vốn vay…


N. KIM - TIỂU MAI