10:02, 28/02/2016

Thời tiết lạnh ảnh hưởng đến thủy sản

Những ngày gần đây, nông dân trên địa bàn tỉnh lo lắng khi nhiều loại thủy sản thả nuôi chậm lớn, thậm chí một số loại như: cá chẽm, tôm thẻ chân trắng có biểu hiện chết yểu.

Những ngày gần đây, nông dân trên địa bàn tỉnh lo lắng khi nhiều loại thủy sản thả nuôi chậm lớn, thậm chí một số loại như: cá chẽm, tôm thẻ chân trắng có biểu hiện chết yểu.


Những ngày sau Tết, nông dân thị xã Ninh Hòa chưa kịp vui khi giá một số loại thủy sản như: tôm, cua tăng khoảng 30 đến 40% so với ngày thường thì lại đứng ngồi không yên khi tôm thẻ chân trắng thả nuôi được khoảng 1 tháng đang chậm lớn. Ông Nguyễn Văn Thừa, người có thâm niên hơn 20 năm nuôi tôm ở tổ dân phố Tân Tế (phường Ninh Hà) cho biết, trước Tết, gia đình ông đầu tư hơn 50 triệu đồng để thả nuôi 12 vạn con tôm trên 2 ao đất. Đến nay, tôm nuôi đã hơn 30 ngày nhưng chỉ mới lớn được bằng chiếc căm xe máy. Hàng ngày, khi kiểm tra tôm, ông phát hiện tôm ăn ít, một số bỏ ăn, nổi lờ đờ lên mặt nước. “Hiện nay, trong ao đã có một số tôm nhiễm bệnh, một số đã chết yểu”, ông Thừa nói.

 

Nông dân chăm sóc ao cá chẽm mới thả nuôi
Nông dân chăm sóc ao cá chẽm mới thả nuôi


Đến thôn Tam Ích (xã Ninh Lộc), chúng tôi được ông Võ Đức Thìn cho biết, trước Tết, một số anh em trong gia đình ông chung vốn đầu tư hơn 100 triệu đồng thả nuôi gần 30 vạn con tôm thẻ chân trắng. “Con tôm rất nhạy cảm với môi trường, thời tiết, nắng quá cũng không được mà lạnh quá cũng không xong. Nếu thời tiết thuận lợi thì sau 30 ngày nuôi, tôm đã phát triển bằng đầu ngón tay chứ không nhỏ bằng que tăm như hiện nay. Hơn nửa tháng nay, tôi phải trộn thêm các loại thuốc tăng sức đề kháng cho tôm để đề phòng tôm nhiễm bệnh”, ông Thìn nói. Ngoài yếu tố thời tiết, theo ông Thìn, rất có thể chất lượng con giống không đảm bảo cũng khiến tôm chậm lớn và chết yểu.


Theo thống kê, phường Ninh Hà có 470ha nuôi tôm nước lợ. Năm 2015, do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết nên đã có hơn 80% diện tích thả nuôi bị thiệt hại nặng. Hiện nay, một số diện tích ao nuôi đã được người dân thả nuôi tôm thẻ chân trắng, một số diện tích khác đang được cải tạo để bước vào vụ 1 nuôi tôm nước lợ năm 2016. Do trời trở lạnh nên một số hộ khác tạm ngưng thả nuôi để chờ trời ấm hơn. Ông Hồ Đức Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Lộc cho biết: “Năm 2015, các hộ nuôi tôm ở xã Ninh Lộc cũng bị thiệt hại nặng, hơn 180ha trong tổng số 450ha tôm của xã bị thiệt hại gần như hoàn toàn. Năm 2016, thời tiết được dự báo sẽ rất cực đoan, trời lạnh đã khiến cho nhiều diện tích tôm nuôi thả giống trước Tết chậm lớn. Điều chúng tôi lo lắng là hiện tượng El Nino tiếp tục gây ra nắng hạn ở nhiều nơi, thời tiết nắng nóng cũng sẽ khiến tôm nuôi bị thiệt hại”.   


Không riêng tôm thẻ chân trắng, những ngày gần đây, người nuôi cá chẽm ở xã Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm) cũng đứng ngồi không yên. Ông Lê Văn Minh (thôn Tân Phú) cho biết: “Gia đình tôi có 3 đìa nuôi cá chẽm với diện tích hơn 1,5ha. Cá chẽm dễ nuôi, ít dịch bệnh nên nhiều người trong thôn, xã đã chuyển từ tôm sang nuôi cá chẽm. Cách đây hơn 1 tháng, gia đình tôi thả nuôi 3 đìa với 30.000 con cá giống nhưng do trời lạnh nên cá chậm lớn, một số cá lớn bằng 2 ngón tay đã bị chết. Với tình trạng cá chậm lớn như thế, chắc chắn chi phí đầu tư của người dân sẽ tăng lên, trong khi năng suất cá khi thu hoạch sẽ giảm”. Cạnh đó, ao nuôi của gia đình bà Trần thị Đào thả 30.000 con giống. Bà Đào cho hay, cá chậm lớn là do thời tiết lạnh chứ không phải do chất lượng con giống, bởi mấy năm nay, gia đình bà đều lấy giống từ 1 nguồn, chất lượng luôn đảm bảo, tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi ít.


Ông Huỳnh Kim Khánh - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết: Hiện nay, Khánh Hòa có 5 vùng nuôi chính là: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Lâm và Cam Ranh với tổng diện tích khoảng 4.000ha. Đối tượng nuôi gồm: tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá biển, ốc hương, cua…; trong đó, tôm thẻ chân trắng là đối tượng chủ yếu nuôi đìa. Ước tính, sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm của tỉnh đạt khoảng 15.000 tấn, trong đó tôm khoảng 10.000 tấn. “Để giảm thiệt hại do bất lợi của thời tiết, chúng tôi đề nghị các hộ nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm nước lợ phải tuân thủ lịch thời vụ cũng như các khuyến cáo của ngành chuyên môn. Đặc biệt, trước khi thả nuôi 5 đến 10 ngày cần theo dõi kỹ diễn biến thời tiết, nếu bất lợi thì tạm dừng ngay việc thả giống”, ông Khánh nói.


HẢI LĂNG