07:03, 12/03/2015

Xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động ATM

Chính phủ đã có Nghị định 96/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động ATM. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn thắc mắc về việc phản ánh cũng như xử phạt các ngân hàng vi phạm.

Chính phủ đã có Nghị định 96/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động ATM. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn thắc mắc về việc phản ánh cũng như xử phạt các ngân hàng (NH) vi phạm. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa xung quanh vấn đề này, ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa cho biết:

 

Việc nâng cao chất lượng dịch vụ ATM là nhiệm vụ thường xuyên, là mục tiêu phấn đấu của các NH, bởi chất lượng dịch vụ có tốt thì NH mới thu hút và duy trì được khách hàng. Chính vì vậy, trong thời gian qua, các NH luôn nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Để tăng cường trách nhiệm của NH cũng như bảo vệ quyền lợi của khách hàng, ngày 28-12-2012, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư 36. Chế tài xử phạt các đơn vị vi phạm các quy định tại Thông tư này được cụ thể hóa tại Nghị định 96, qua đó các NH chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ của hệ thống ATM.


Về xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động ATM, Nghị định 96 quy định các mức phạt liên quan đến việc lắp đặt, thay đổi địa điểm, chấm dứt hoạt động ATM; thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống ATM; duy trì hoạt động bộ phận hỗ trợ khách hàng, tiếp quỹ ATM…


-  Thưa ông, theo Nghị định 96, cứ ATM để hết tiền thì sẽ bị phạt, nhưng nếu người dân không thông báo thì cơ quan quản lý có biết để phạt không?


Theo Điều 28 Nghị định 96, trong trường hợp NH “không giám sát mức tồn quỹ tại máy giao dịch tự động, không đảm bảo máy giao dịch tự động phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng theo quy định” sẽ bị áp dụng mức phạt từ 10 - 15 triệu đồng. Theo quy định tại Thông tư 36, NH không được để ATM hết tiền quá 4 giờ làm việc (đối với ATM nằm trong nội đô, thị xã, trung tâm huyện) hoặc quá 8 giờ làm việc (đối với ATM ở xa trung tâm) và 1 ngày nếu ngoài giờ làm việc. Trường hợp các NH không tuân thủ đúng quy định về thời hạn tiếp quỹ nêu trên thì sẽ bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng.


Trong trường hợp cá nhân, tổ chức phát hiện vi phạm không thông báo, NHNN vẫn có thể phát hiện vi phạm thông qua việc quản lý, giám sát hoạt động ATM theo quy định tại Thông tư 36 và xử phạt đối với NH vi phạm. Tuy nhiên, để xử lý kịp thời nghiêm minh các hành vi vi phạm đối với hoạt động ATM, đề nghị cá nhân, tổ chức khi phát hiện vi phạm kịp thời phản ánh về NHNN, qua đó góp phần vào việc giám sát để chất lượng dịch vụ ATM tốt hơn.


- Làm cách nào để xác định ATM hết tiền hay bị lỗi? Các NH có thể kiểm soát được nguyên nhân ATM gặp sự cố không, thưa ông?


Các NH sử dụng hệ thống phần mềm quản lý, giám sát ATM từ xa để kiểm tra tình trạng hoạt động của ATM, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh (cảnh báo mức tiền tối thiểu để tiếp quỹ, cảnh báo ATM ngừng hoạt động…), nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ ATM cũng như thực hiện tốt quy định pháp luật hiện hành. Nếu khách hàng khiếu nại, phản ánh tới NHNN, NHNN có thể xác định ATM hết tiền hay bị lỗi thông qua kiểm tra nhật ký hoạt động của máy. Hiện nay, Thanh tra, giám sát NHNN Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa có chức năng theo dõi, giám sát tình hình hoạt động ATM trên địa bàn, nếu phát hiện NH nào sai phạm thì sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.


ATM là thiết bị công nghệ nên việc trục trặc, sự cố là khó tránh khỏi, tuy nhiên các trục trặc, sự cố này phải được NH xử lý kịp thời. Bên cạnh hệ thống giám sát ATM từ xa, các NH còn bố trí lực lượng trực để khắc phục sự cố ATM ngừng hoạt động trong thời gian nhanh nhất có thể, đảm bảo hệ thống ATM hoạt động thông suốt, ổn định.


- Trên địa bàn có những trụ ATM ngừng hoạt động khá lâu, trong khi đó theo quy định nếu NH để ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ sẽ bị phạt. Xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?


- Máy ATM ngừng hoạt động do nhiều nguyên nhân khác nhau, do đó không phải cứ NH có ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ thì sẽ bị xử phạt. Theo Điều 28 Nghị định 96, NH có ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ mà không báo cáo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn và thông báo rộng rãi cho khách hàng thì bị phạt. Ngược lại, nếu NH có ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ nhưng đã báo cáo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn và đã thông báo rộng rãi cho khách hàng thì không bị xử phạt.


- Thưa ông, nếu phát hiện các vi phạm thì người dân sẽ báo cho cơ quan nào và NHNN Chi nhánh Khánh Hòa có đường dây nóng nhận phản hồi từ khách hàng không?


- Theo quy định tại Thông tư 36, Cơ quan Thanh tra, giám sát NH và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố có trách nhiệm kiểm tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Nếu phát hiện các vi phạm thì khách hàng có thể phản ánh về các đơn vị nêu trên theo số điện thoại đường dây nóng 0583.822157 và 0583.827161 (được công khai trên website của NHNN Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa theo địa chỉ: www.sbvkh.gov.vn).


- Xin cảm ơn ông!


B.K (Thực hiện)