Bằng nhiều cách làm cụ thể trong khai thác thế mạnh của địa phương, đến nay, xã Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.
Bằng nhiều cách làm cụ thể trong khai thác thế mạnh của địa phương, đến nay, xã Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.
Trồng nấm rơm giúp người dân có thu nhập ổn định |
Gia đình ông Nguyễn Minh Nhật (thôn Vĩnh Thái) có 2 trại nấm khá lớn. Hiện nay, tổ trồng nấm của ông Nhật có 5 hộ tham gia. Nhờ địa phương tạo điều kiện cho vay vốn 100 triệu đồng, tổ có thêm kinh phí đầu tư sản xuất. Mỗi tháng thu hoạch hai lần, mỗi lần thu khoảng 100kg. Với giá bán từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi người thu nhập được khoảng 2 triệu đồng/tháng. Bà Nguyễn Thị Thúy Liễu (thành viên tổ trồng nấm) chia sẻ: “Vợ chồng tôi tham gia tổ nấm rơm mấy năm nay. Chúng tôi rất vui vì đầu ra ổn định”. Theo ông Nguyễn Ngọc Anh - Chủ tịch Hội Nông dân xã, Hội đã vận động nhiều nông dân học tập kinh nghiệm sản xuất, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vay vốn. Xã dự kiến sẽ xây dựng tổ liên kết trồng nấm.
Về thôn Suối Cát, chúng tôi nghe mọi người nhắc nhiều đến mô hình trồng dừa xiêm dứa tại đây. Theo người dân, đây là loại dừa có năng suất cao, thời gian sinh trưởng và cho thu hoạch nhanh (khoảng 3 năm). Nước dừa thơm mùi dứa nên được thị trường chuộng. Toàn xã hiện có khoảng 30 hộ trồng dừa xiêm dứa, diện tích chừng 2ha. Trong đó, 1 hộ đã thu hoạch; với 240 cây dừa xiêm dứa, lợi nhuận gần 100 triệu đồng/năm. Dự kiến, các hộ còn lại thu hoạch trong năm nay.
Không khí làm việc tại cơ sở may công nghiệp thời trang của anh Nguyễn Từ Bình Sơn (thôn Vĩnh Thái) khá khẩn trương. Chị Nguyễn Thị Đan Thùy (thôn Vĩnh Thái) cho biết: “Trước đây, tôi làm việc ở nhiều nơi nhưng thu nhập bấp bênh... Từ khi cơ sở may của anh Sơn hoạt động, tôi có công việc với thu nhập khá ổn định, gần 5 triệu đồng/tháng, lại gần nhà”. Được biết, sản phẩm thời trang của anh Sơn khá đa dạng, từ đầm trẻ em đến các loại thời trang nữ; cung ứng cho thị trường từ 2.800 đến 3.000 sản phẩm/tháng. Mô hình này giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động địa phương với thu nhập bình quân 2,5 đến 3 triệu đồng/lao động (chưa kể tăng ca). Anh Sơn đang phấn đấu mở rộng xưởng may để thu hút lao động. Anh Sơn chia sẻ: “Quê tôi lâu nay có nghề may, thêu truyền thống, nhưng chưa được phát huy. Năm 2013, tôi quyết định lập xưởng may tại đây với mong muốn giải quyết việc làm cho lao động trẻ. Bằng nguồn vốn phát triển ngành nghề, xã đã hỗ trợ 14 bộ máy may cho cơ sở phát triển sản xuất”.
Ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã có 1 tổ làng nghề thêu ren với hơn 300 lao động; 6 trại nuôi heo, sức chứa từ 800 đến 1.200 con/lần thả; tổ liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh mía Hiệp Thành, tổ trồng nấm rơm, mô hình may công nghiệp thời trang… Các mô hình kinh tế liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp ở xã đã tạo thu nhập ổn định, mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động. Thời gian qua, Ban chấp hành Hội, các chi hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm, tập huấn kỹ thuật, tham quan những mô hình kinh tế hiệu quả để bà con nông dân học hỏi lẫn nhau. Bước đầu, người dân đã sử dụng tiền vốn hỗ trợ của Nhà nước đúng mục đích. Nhờ vậy, năm 2014, có 363 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Những năm qua, Cam Hiệp Nam đạt thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân; nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp.
Theo ông Đỗ Minh Thạnh - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã, Cam Hiệp Nam có hơn 80% người dân sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, Đảng bộ luôn xác định được những lợi thế của địa phương, từ đó xây dựng các nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Bám sát các nghị quyết của cấp ủy, mỗi cán bộ đảng viên trong xã luôn nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của mình để làm gương cho nhân dân noi theo. Các tổ chức đoàn thể không ngừng vận động cán bộ, hội viên, nhân dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tạo điều kiện cho hội viên vay vốn làm ăn. Từ đó, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc.
NGUYỄN KIM