Từng là địa phương trồng nhiều chuối nhất huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), nhưng do sâu bệnh nên diện tích chuối tại xã Ba Cụm Bắc đã giảm đến 70%.
Từng là địa phương trồng nhiều chuối nhất huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), nhưng do sâu bệnh nên diện tích chuối tại xã Ba Cụm Bắc đã giảm đến 70%.
Nhiều diện tích chuối tại xã Ba Cụm Bắc cằn cỗi, sâu bệnh và ra buồng nhỏ. |
Cây chuối từng là một trong những loại cây trồng chủ lực và mang lại nguồn thu nhập quanh năm cho nhiều hộ dân trong xã. Trước đây, thời gian gần đến rằm, ngày 30 âm lịch hàng tháng hoặc chuẩn bị Tết Nguyên đán, hoạt động mua bán chuối diễn ra khá sôi động. Nhưng hiện nay tình hình đã khác. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, tiểu thương tại thôn Dốc Trầu cho biết, dịp Tết vừa qua, số lượng chuối bà con bán ra chỉ bằng 1/3 so với mấy năm trước đây. Nguyên nhân do diện tích chuối giảm, mất mùa và chất lượng không cao.
Hộ anh Bo Bo Khuyển (thôn Tha Mang) trồng gần 2ha chuối mốc, Tết năm ngoái, gia đình anh thu được hơn 2 triệu đồng tiền chuối, nhưng Tết năm nay chỉ thu được hơn 1 triệu đồng. Anh Khuyển cho biết: “Trước đây, đồi chuối phát triển tươi tốt, nhiều cây cho quả to, bán được giá, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định. Nhưng nay nhiều bụi chuối cằn cỗi, ra buồng nhỏ, không ít cây ra quả rồi vẫn bị chết”. Tuy thu nhập không cao, nhưng hộ anh Khuyển vẫn còn may, vì nhiều hộ dân có diện tích chuối bị thất thu hoàn toàn. Anh Mấu Hồng Luyến (thôn Tha Mang) cho biết: “Mỗi tháng tôi chặt được vài quầy chuối để bán kiếm tiền trang trải sinh hoạt gia đình. Nhưng giá chuối ngày thường quá thấp. Đến Tết âm lịch và ngày rằm tháng Giêng, giá chuối tăng cao thì gia đình tôi lại không có chuối để bán”.
Lý giải về vấn đề sụt giảm sản lượng chuối, theo ông Mấu Xuân Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ba Cụm Bắc, nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết nắng hạn kéo dài, cây chuối phát triển kém. Hơn thế, phần lớn diện tích chuối trên địa bàn xã Ba Cụm Bắc được trồng cách đây rất lâu nên đã già cỗi, nhiều khu vực còn bị sâu bệnh nên ra ít buồng, quả nhỏ. Bên cạnh đó, người dân thường không chăm sóc chuối đúng kỹ thuật, cũng không có khả năng tự đầu tư phòng trừ sâu bệnh hoặc trồng thay thế bằng giống chuối mới cho năng suất, chất lượng cao hơn. “Những diện tích chuối bị sâu bệnh, kém hiệu quả, người dân đã phá bỏ chuyển sang trồng keo hoặc bắp. Hiện nay, tổng diện tích chuối trên địa bàn xã chỉ còn 127ha, chưa bằng 1/3 so với mấy năm trước”, ông Hạnh cho biết.
Cũng theo ông Hạnh, Nghị quyết HĐND xã đề ra mục tiêu trong năm 2015, diện tích chuối của toàn xã tăng lên 300ha. Xã tuyên truyền, vận động người dân trồng chuối ở một số diện tích keo đã khai thác hoặc khu vực trồng bắp kém hiệu quả. Để nâng cao năng suất, chất lượng cây chuối, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã có chủ trương hỗ trợ một số hộ trồng thí điểm giống chuối cấy mô, nếu thành công sẽ nhân rộng để người dân sản xuất đại trà, dần thay thế giống chuối cũ năng suất thấp.
Đinh Luận