11:03, 05/03/2015

Một số vướng mắc trong triển khai phát triển thủy sản

Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã đạt được một số kết quả sau 5 tháng triển khai. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Nghị định (NĐ) 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã đạt được một số kết quả sau 5 tháng triển khai. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

 


Kết quả bước đầu


Ông Nguyễn Văn Đẩu - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho biết: Đối với chính sách tín dụng, đến nay đã tổ chức được 18 lớp tập huấn cho 1.200 chủ tàu thuyền chuyên nghề khai thác xa bờ như: câu cá ngừ đại dương, lưới rê, lưới vây rút và chụp mực về các chính sách ưu đãi của NĐ. Bên cạnh đó, đã tiến hành kiểm tra, công bố 12 cơ sở đủ điều kiện đóng mới và sửa chữa tàu thuyền. Việc thẩm định, phê duyệt danh sách các chủ tàu cá đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp theo chính sách hỗ trợ cũng đã được tập trung thực hiện; đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 15 tàu đóng mới và 5 tàu nâng cấp, với tổng số vốn vay 187 tỷ đồng. Ngoài ra, đã thành lập được 50 tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển với gần 350 ngư dân tham gia; vận động được 23 tàu trong tổng số 800 tàu khai thác xa bờ tham gia mua bảo hiểm theo các chính sách ưu đãi của NĐ… “Dự kiến đến cuối tháng 3 và cuối tháng 4 sẽ có 2 tàu đóng mới bằng vật liệu composite được hạ thủy. Đây sẽ là những chiếc tàu đầu tiên được hình thành từ các chính sách ưu đãi của NĐ 67” - ông Đẩu nói.


Vẫn còn vướng mắc

 

Vẫn chưa có nhiều ngư dân tiếp cận được nguồn vốn vay để đóng mới tàu cá theo chính sách ưu đãi của Nghị định 67.
Vẫn chưa có nhiều ngư dân tiếp cận được nguồn vốn vay để đóng mới tàu cá theo chính sách ưu đãi của Nghị định 67.


Tuy đạt được một số kết quả nhưng việc triển khai NĐ 67 hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn về chính sách cho ngư dân vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, việc xét duyệt hồ sơ vay vốn còn khá chậm. Nhiều chủ tàu tuy mới hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá 1 - 2 năm, làm ăn có hiệu quả, nhưng vẫn không tiếp cận được chính sách vay vốn do quy định của UBND tỉnh,  đó là chủ tàu cá phải có thời gian hoạt động ít nhất là 3 năm. Một số ngư dân phản ánh, khi có nhu cầu vay vốn, họ liên hệ đến chính quyền cơ sở, một số chi nhánh Ngân hàng thương mại (NHTM) thì các đơn vị này lại nắm không rõ chính sách, chậm trễ trong việc thẩm định hồ sơ, giữ hồ sơ nhưng không giải quyết. Số ngư dân tiếp cận được nguồn vốn vay theo NĐ 67 còn hạn chế do phía NH chưa chắc chắn được khả năng trả nợ của ngư dân nên chưa mạnh dạn cho vay, làm kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ.


Mặt khác, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 tàu cá vỏ composite có nhu cầu nâng cấp máy chính theo chính sách ưu đãi của NĐ nhưng vẫn chưa tiếp cận được. Đối với việc đóng mới tàu vỏ gỗ, hiện chưa triển khai được do chưa có mẫu, chưa thể dự toán và thẩm định được; hiện nhiều ngư dân đang tính chuyển sang phương án đóng mới tàu vỏ composite. Trong khi đó, tuy nhà nước hỗ trợ 100% bảo hiểm thuyền viên; 70 - 90% bảo hiểm thân tàu nhưng việc triển khai các chính sách bảo hiểm gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do việc thành lập lại các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển chưa được UBND cấp xã triển khai quyết liệt. Về phía ngư dân, họ chỉ muốn tham gia bảo hiểm thuyền viên chứ không muốn tham gia bảo hiểm thân tàu do chi phí khá lớn, trong khi giá trị mua bảo hiểm thấp hơn giá trị thực của con tàu.


Theo ông Nguyễn Văn Đạt - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (Trường Đại học Nha Trang), NĐ 67 có những chính sách rất tốt để phát triển ngành thủy sản, nhất là khai thác xa bờ nhưng đến nay việc triển khai NĐ vẫn còn chậm do nhiều nguyên nhân. Hiện có 21 mẫu tàu vỏ sắt đã được công bố nhưng ngư dân lại không chuộng tàu vỏ sắt mà chỉ muốn đóng tàu vỏ composite, vỏ gỗ trong khi phải chờ thiết kế, thẩm định mẫu nên dù có rất nhiều ngư dân đủ điều kiện để NH cho vay vốn nhưng vẫn không thể triển khai. Ông Nguyễn Hoài Chiểu - Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho rằng: “Việc triển khai chậm một phần là do lỗi của một số chi nhánh NHTM, hồ sơ thẩm định tiếp nhận nhưng xử lý chậm; đủ điều kiện hay không cũng không thông báo cho ngư dân biết. Về phía các NH, muốn cho vay thì phải đảm bảo đủ điều kiện, đối tượng, vốn tự có, thiết kế được thẩm định, đầy đủ chứng từ nhưng nhiều hồ sơ khi đưa lên không đảm bảo điều kiện cho vay nên vẫn chưa có nhiều hồ sơ được duyệt cho vay vốn”.


Ông Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhận định: Quá trình triển khai NĐ 67 so với yêu cầu vẫn còn khá chậm; sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng còn hạn chế. Mặc dù Khánh Hòa được phân bổ đến 160 tàu khai thác và 15 tàu dịch vụ hậu cần nhưng đến nay chỉ mới phê duyệt danh sách 20 tàu cá; số lượng này còn ít. Vì vậy, trong thời gian tới các cấp, ngành cần nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai thực hiện NĐ này.


HẢI LĂNG

 



Để đẩy nhanh việc triển khai NĐ 67, ông Lê Đức Vinh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh quy định về đối tượng, thời gian hoạt động nghề cá có hiệu quả…; tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép áp dụng chính sách nâng cấp tàu vỏ composite như chính sách áp dụng đối với nâng cấp tàu vỏ gỗ; giao Sở thực hiện hợp đồng với Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (Trường Đại học Nha Trang) tiến hành thiết kế một số mẫu tàu cá vỏ gỗ trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định làm cơ sở cho các NH xem xét cho ngư dân vay vốn; rà soát số lượng tàu thuyền trên địa bàn tỉnh, phân loại các tàu, chủ tàu có khả năng phát triển năng lực sản xuất mới để tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia NĐ 67. NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cần chỉ đạo các NHTM đẩy nhanh tiến độ thẩm định các hồ sơ vay vốn, hồ sơ còn tồn đọng phải được thẩm định xong trước ngày 15-3. Đối với UBND cấp huyện, tiếp tục tuyên truyền các chính sách của NĐ 67 đến ngư dân; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại số lượng tàu cá…