08:03, 09/03/2015

Khánh Sơn: Không còn mặn với cây mía đường

Do hiệu quả của cây mía đường ngày càng giảm sút, những năm gần đây, người dân huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) không mấy mặn mà với loại cây này. Hiện diện tích mía đường trên địa bàn huyện đã thu hẹp đáng kể.

Do hiệu quả của cây mía đường ngày càng giảm sút, những năm gần đây, người dân huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) không mấy mặn mà với loại cây này. Hiện diện tích mía đường trên địa bàn huyện đã thu hẹp đáng kể.

 

Nhiều hộ dân ở Khánh Sơn lựa chọn cây mía tím để thay thế cây mía đường.
Nhiều hộ dân ở Khánh Sơn lựa chọn cây mía tím để thay thế cây mía đường


Tại Khánh Sơn, xã Sơn Bình là địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển cây mía đường. Gia đình ông Nguyễn Ngọc Luận (thôn Liên Hòa) được biết đến là hộ gắn bó với cây mía đường hàng chục năm nay, diện tích lúc cao điểm lên đến gần 20ha. Thế nhưng, do hiệu quả của cây mía ngày càng giảm sút nên gia đình ông đã chuyển dần sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện diện tích mía của gia đình ông chỉ còn chưa đến 10ha. Ông Luận lý giải: “Những năm giá mía nguyên liệu cao, cây mía đường cao nhất chỉ cho thu nhập chưa đến 50 triệu đồng/ha/vụ; sau khi trừ chi phí thì lãi chẳng được bao nhiêu. 3 năm trở lại đây, giá mía luôn ở mức thấp nên nông dân chỉ hòa hoặc lỗ vốn đầu tư nên người trồng không mấy mặn mà với loại cây này. Trong khi đó, nếu trồng cây mía tím thì hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn với thu nhập lên đến 130 triệu đồng/ha/vụ; lúc cao điểm lên đến 200 triệu đồng/ha/vụ. Các loại cây khác như: sầu riêng, tiêu hay cà phê… hiệu quả kinh tế cũng cao hơn mía đường”. Cũng chính vì vậy, ông Luận tính toán sau niên vụ mía 2014 - 2015 sẽ tiếp tục chuyển đổi tiếp diện tích trồng mía đường sang các loại cây trồng khác.


Hộ ông Trần Văn Sỹ (thôn Liên Hòa) cũng có hơn 10 năm đầu tư trồng mía đường nguyên liệu với gần 2ha. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, ông Sỹ đã chuyển đổi toàn bộ diện tích này sang trồng mía tím. “Trồng mía đường hiệu quả thấp mà công cán lại nhiều, trong khi đầu ra khá bấp bênh. Ngoài vốn đầu tư cao, khi thu hoạch, người trồng hoàn toàn phụ thuộc vào nhà máy về giá, chữ đường, thời gian thu mua lại chậm nên người dân rất thiệt thòi. Trong khi đó, trồng mía tím hiệu quả cao hơn hẳn, đầu ra lại ổn định” - ông Sỹ nói.


Tại thôn Xóm Cỏ, diện tích mía đường hiện cũng giảm rõ rệt, trên những triền đồi trước đây bạt ngàn mía thì nay chỉ lác đác vài thửa xen lẫn với những vườn cây ăn quả, những đồi bắp, đồi mì. Ông Mấu Bường - người trồng mía trong thôn cho biết: “Năm nay, gia đình tôi có gần 1ha mía đường ở trên đồi, do không có nguồn nước tưới nên năng suất chỉ đạt chưa đến 40 tấn, bán được gần 35 triệu đồng; sau khi trừ mọi chi phí thì tôi hầu như không có lãi. Vì vậy, vụ tới tôi sẽ bỏ mía đường để trồng bắp, mì, dù giá thấp nhưng đầu tư ít nên chắc có lãi”.  


Ông Lê Quang Hà - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Bình cho biết: “Tại Khánh Sơn, cây mía đường chủ yếu được trồng ở Sơn Bình. Cách đây 6 - 7 năm, diện tích mía đường trên địa bàn xã lên đến 85ha. Hiện nay, nông dân đã chuyển sang trồng mía tím, các loại cây ăn quả, các loại cây hàng năm nên diện tích mía đường chỉ còn chưa đến 11ha. Chủ trương của xã là không phát triển mía đường nữa mà chuyển đổi diện tích này sang trồng các loại cây trồng khác mang lại lợi nhuận, thu nhập cao hơn cho người dân”.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay huyện Khánh Sơn cũng không khuyến khích người dân phát triển cây mía đường ở các địa phương. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết: “Diện tích mía đường tại địa bàn huyện đang thu hẹp dần qua từng năm; hiện chỉ còn chưa đến 60ha. Nguyên nhân là do hạn hán kéo dài, nhiều diện tích mía bị khô, năng suất thấp. Bên cạnh đó, do hiệu quả kinh tế mang lại từ cây mía thời gian gần đây thấp hơn các loại cây trồng khác nên nông dân bỏ mía đường để chuyển sang trồng mía tím, sầu riêng, cà phê, hạt tiêu… Đối với cây mía đường, hiện chỉ phát triển một phần diện tích khoảng 12ha ở xã Ba Cụm Nam, bởi điều kiện nơi đây phù hợp để trồng loại cây này nhất”.


ANH TUẤN - BÍCH LA