11:03, 09/03/2015

Đồng hành với vùng rau sạch Ninh Đông

Khi làng rau xã Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đi vào sản xuất rau sạch, anh Nguyễn Thanh Lộc (38 tuổi, xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa) đã mở công ty rau sạch và đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Khi làng rau xã Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đi vào sản xuất rau sạch, anh Nguyễn Thanh Lộc (38 tuổi, xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa) đã mở công ty rau sạch và đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

 

Chế biến rau sạch tại Công ty Hiệp Nông Phát.
Chế biến rau sạch tại Công ty Hiệp Nông Phát.


Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), anh Lộc sang tu nghiệp tại Trung Quốc và Canada. Thời gian ở nước ngoài, anh đã được tiếp cận công nghệ sản xuất rau sạch theo quy trình CanadaGAP. “Quy trình CanadaGAP rất nghiêm ngặt, đất trồng phù hợp với loại cây nào thì trồng loại cây đó, đất không bị ảnh hưởng độc tố, kim loại hay tạp chất; mọi khâu đều được cơ giới hóa, tự động hóa. Sản phẩm sau khi thu hoạch được phân loại, rửa, sơ chế trước khi bọc giấy bạc và đưa ra thị trường”, anh nói.


Về nước, anh mở Công ty Chế biến rau sạch Hiệp Nông tại TP. Hồ Chí Minh. Đến nay, Hiệp Nông là đơn vị chuyên cung cấp rau sạch khá lớn với hơn 250 cửa hàng đặt tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Lâm Đồng, TP. Đà Nẵng… phục vụ hơn 200 siêu thị lớn, nhỏ. Lượng rau cung cấp mỗi ngày hơn 40 tấn.


Sau khi làng rau Ninh Đông triển khai sản xuất rau sạch theo công nghệ VietGAP, anh Lộc đã mở thêm Công ty Hiệp Nông Phát tại quê nhà nhằm giúp nông dân nơi đây tiêu thụ sản phẩm đồng thời mong muốn nhà nông cùng liên kết để phát triển. Anh xây nhà xưởng, đầu tư mua sắm máy móc… để triển khai việc chế biến rau sạch. Công ty Hiệp Nông Phát đang nỗ lực mở rộng mạng lưới tiêu thụ đến bếp ăn tập thể của các trường học, đơn vị quân đội, các khu công nghiệp, nhà hàng, khách sạn… Được biết, rau tại Ninh Đông sau khi thu hoạch được xe chuyên dùng đưa về xưởng sơ chế, sục ô-zôn, rồi tiến hành đóng gói, bảo quản đưa ra thị trường. Thời gian tới, khi thị trường ổn định, Công ty sẽ giải quyết việc làm cho 70 - 80 lao động địa phương.

 

Ông Nguyễn Ngọc Việt - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản: Anh Nguyễn Thanh Lộc tâm huyết với GAP nên về Khánh Hòa kinh doanh, phát triển mặt hàng rau sạch. Đây là cơ hội mới cho ngành rau sạch Khánh Hòa. Tôi rất mong ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này để ngành Nông nghiệp phát triển; nông dân có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống...

Ông Lê Quang Hải - Chủ tịch UBND xã Ninh Đông cho biết, anh Lộc được đào tạo bài bản về chế biến rau sạch theo VietGAP, GlobalGAP nên thường xuyên hướng dẫn nông dân thực hành theo các tiêu chuẩn trên. Hiện nay, doanh nghiệp của anh có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho 18 hộ nông dân trong Tổ liên kết sản xuất rau sạch xã Ninh Đông, thu mua đảm bảo 50% sản lượng với giá cao hơn thị trường 100 - 200 đồng/kg…


Anh Lộc cho rằng, khi sử dụng rau sạch, ai cũng được hưởng lợi như: Nông dân sản xuất và bán rau sạch giá cao hơn, doanh nghiệp phân phối sản phẩm có chất lượng cao, người tiêu dùng sử dụng rau an toàn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người vẫn chưa thấu hiểu vấn đề này, còn cân nhắc về giá đã khiến cho việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm gặp khó khăn… Thời gian tới, Công ty dự kiến hợp đồng với nông dân sản xuất 3 loại rau quả chính là: dưa leo, bí đỏ, bí xanh; đồng thời mở rộng vùng sản xuất rau củ quả sạch tại Ninh Hòa, Diên Khánh theo hướng VietGAP…


P.L