08:03, 03/03/2015

Cây rau ngót trên đất Diên Thọ

Do hiệu quả kinh tế cao, vài năm trở lại đây, nông dân xã Diên Thọ (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) tập trung phát triển cây rau ngót như một loại cây trồng chủ lực cho thu nhập khá.

Do hiệu quả kinh tế cao, vài năm trở lại đây, nông dân xã Diên Thọ (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) tập trung phát triển cây rau ngót như một loại cây trồng chủ lực cho thu nhập khá.

 

Diện tích rau ngót đang được mở rộng tại thôn Phước Lương (xã Diên Thọ).
Diện tích rau ngót đang được mở rộng tại thôn Phước Lương (xã Diên Thọ)


Nguồn thu thường xuyên


Phước Lương là thôn có diện tích rau ngót nhiều nhất xã. Vườn rau ngót của anh Nguyễn Văn Hải là một trong những khu vườn lớn nhất xã. Toàn bộ diện tích xung quanh nhà cũng như khoảnh đất gần nhà anh đều trồng rau ngót, tổng diện tích lên đến 3.000m2. Ngoài rau ngót, anh còn xen canh một số cây ăn quả như: bưởi, xoài, đu đủ... Theo anh Hải, rau ngót phát triển khá nhanh, bình quân 1 năm cắt 6 - 7 lứa, sản lượng đạt 2 - 2,5 tấn/lứa. Với giá bán hiện nay dao động 8.000 - 12.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh thu nhập 12 - 15 triệu đồng/lứa. Vợ anh Hải chia sẻ: “Nếu không có rau ngót, gia đình tôi sẽ rất khó khăn bởi không có nguồn thu thường xuyên. Cứ cắt xong mỗi lứa rau là tôi lại dành dụm tiền gửi cho 2 đứa con đang học đại học tại TP. Hồ Chí Minh”.


Anh Trương Tấn Tài cũng là hộ trồng nhiều rau ngót tại thôn Phước Lương, với diện tích 1.000m2. Sau vài năm trồng rau ngót tại nhà, anh Tài phát hiện rau bị chứng thối rễ, dù xịt nhiều loại thuốc nhưng không hiệu quả nên anh đưa rau ngót lên trồng trên đất mới tại khu vực làm rẫy, cách nhà không xa. Thu nhập từ rau ngót giúp anh có tiền trang trải mọi chi phí trong gia đình.


Trồng rau ngót khá đơn giản, sau khi cải tạo đất, nông dân mua giống về trồng. Nhu cầu giống không gay gắt bởi mỗi vườn rau ngót sau mỗi năm có thể hạ gốc một lần để bán giống và 4 - 5 năm mới thay giống. Chăm sóc vườn rau ngót cũng không tốn nhiều công sức, chủ yếu là tưới nước, bón phân, theo dõi sâu bệnh và sau 45 - 60 ngày có thể thu hoạch 1 lứa. Việc tiêu thụ rau ngót khá dễ dàng, thương lái đến mua tận vườn.


Theo một số hộ dân trồng rau ngót tại xã Diên Thọ, trồng rau ngót lo nhất là bệnh thối rễ. Thôn Phước Tuy (xã Diên Phước) trước kia là làng rau trù phú nhưng nay điêu đứng vì dịch bệnh này, diện tích rau ngót thu hẹp đáng kể. Một số người trồng rau ngót có kinh nghiệm cho rằng, cũng như nhiều loại rau khác, nếu độc canh rau ngót một thời gian sẽ xuất hiện bệnh dịch. Vì thế, nông dân cần thường xuyên thay đổi đất, luân canh với các loại cây trồng khác để tránh dịch bệnh.


Sẽ xây dựng tổ liên kết


Theo thống kê chưa đầy đủ, số hộ phát triển diện tích rau ngót trên địa bàn xã đến nay khoảng 30 hộ, tập trung tại các thôn: Phước Lương, Lễ Thạnh và Cẩm Sơn, đây là các khu vực có nhiều đất vườn, đồng thời có nguồn nước bơm tưới. Trồng rau ngót mang lại hiệu quả kinh tế cao, vì thế người dân sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.


Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, thời gian tới, Hội Nông dân sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, đặc biệt là kỹ thuật trồng và chăm sóc rau ngót, nhằm giúp nông dân chủ động phòng trừ dịch hại, canh tác bền vững. Cũng theo ông Tuấn, Hội sẽ xúc tiến xây dựng tổ liên kết sản xuất rau ngót làm tiền đề hỗ trợ mở rộng diện tích rau ngót. “Đây là mô hình có hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế hộ, tăng thu nhập. Việc hình thành tổ hợp tác sản xuất rau sẽ phát huy vai trò liên kết, giao lưu, nâng cao trình độ hiểu biết về sản xuất rau sạch của nông dân, bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Hội Nông dân xã sẽ phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng mời Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư, Chi cục Bảo vệ thực vật... tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, kết hợp nghiên cứu, phòng trừ dịch bệnh để rau ngót phát triển tốt”, ông Tuấn nói.


P.L