Là vấn đề rất cần được quan tâm nhằm phát triển ngành khai thác thủy sản, tuy nhiên việc đầu tư cho hạ tầng, nâng cấp cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Là vấn đề rất cần được quan tâm nhằm phát triển ngành khai thác thủy sản, tuy nhiên việc đầu tư cho hạ tầng, nâng cấp cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Cảng cá Vĩnh Lương chưa được đầu tư đồng bộ, thường xuyên bị quá tải khi tàu cá cập bờ nhiều. |
Chỉ có 30% được đầu tư, nâng cấp
Khánh Hòa là một trong những địa phương phát triển mạnh ngành thủy sản. Số lượng tàu thuyền hoạt động trong lĩnh vực này hơn 9.800 chiếc với tổng công suất lên đến 545.360CV, trong đó có 1.200 tàu khai thác xa bờ. Việc quy hoạch, đầu tư hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá có vai trò rất lớn trong phát triển ngành thủy sản của tỉnh, góp phần quan trọng trong việc xây dựng Khánh Hòa trở thành Trung tâm nghề cá lớn của khu vực Nam Trung bộ.
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khánh Hòa có 13 cảng cá (9 cảng ở đất liền, 4 cảng ở Trường Sa). Trong đó có những cảng lớn như: Cảng Hòn Rớ, Vĩnh Lương (TP. Nha Trang), Đá Bạc (TP. Cam Ranh), Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh)... Đối với các khu neo đậu tránh trú bão, trên địa bàn tỉnh có 10 khu vực nằm trong quy hoạch gồm: 1 khu neo đậu cấp vùng và 9 khu neo đậu cấp tỉnh. Các khu này có quy mô neo đậu hàng trăm đến hàng nghìn tàu thuyền. Trong đó, Khu neo đậu Sông Tắc - Hòn Rớ (TP. Nha Trang) có thể tiếp nhận 1.200 chiếc tàu loại công suất 300CV; Khu neo đậu vịnh Cam Ranh (TP. Cam Ranh) có thể tiếp nhận 1.000 chiếc tàu loại công suất 600CV; Khu neo đậu Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) có thể tiếp nhận 500 chiếc tàu loại công suất 300CV...
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, vị trí các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão theo quy hoạch được duyệt khá phù hợp cho tàu thuyền của ngư dân mỗi khi ra vào. Tuy nhiên, hiện nay, việc đầu tư các cảng cá, khu neo đậu vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần được khắc phục. Ông Tào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, từ năm 2001 đến nay mới có 6 cảng cá trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp gồm: Hòn Rớ, Vĩnh Lương, Đá Bạc, Đại Lãnh; Bình Ba và Bình Hưng (TP. Cam Ranh). Các cảng này khi đưa vào khai thác đã đáp ứng kịp thời cho sự phát triển ngành thủy sản của tỉnh. Mỗi năm, 6 cảng này tiếp nhận gần 50.000 lượt tàu cá ra vào cảng giao nhận hàng hóa, neo đậu tránh trú bão. Sản lượng thủy sản qua các cảng gần 60.000 tấn. Trong khi đó, trong số 10 khu neo đậu tránh trú bão chỉ mới có Khu neo đậu Sông Tắc - Hòn Rớ được đầu tư nạo vét luồng lạch đảm bảo độ sâu 4m; Khu neo đậu Ninh Hải được đầu tư xây dựng năm 2010, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2013. Các khu neo đậu tránh trú bão còn lại vẫn chưa được đầu tư, vẫn là khu neo đậu tự nhiên.
Chưa theo kịp thực tế
Một vấn đề đặt ra hiện nay là, trong khi các phương tiện khai thác đang phát triển nhanh về quy mô cũng như công suất thì việc quy hoạch, đầu tư cảng cá, khu neo đậu lại chưa theo kịp. Ông Thân Văn Quy - Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản tỉnh cho biết: “Hiện tại, một số cảng cá đang ở trong tình trạng quá tải, chẳng hạn như Cảng Hòn Rớ. Do cầu cảng chỉ dài 200m nên tàu có công suất lớn cập cảng chỉ được 10 chiếc/lượt, trong khi mỗi đợt tàu cá khai thác xa bờ trở về có số lượng lên đến hàng trăm chiếc. Bên cạnh đó, Cảng Hòn Rớ là cảng loại 1, diện tích đất liền xây dựng cảng phải hơn 4ha. Thế nhưng hiện nay, cảng chỉ có 2,2ha. Điều này làm cho việc đầu tư các hạng mục khác không đồng bộ. Hiện nay, Cảng Hòn Rớ đang tiếp tục nâng cấp một số hạng mục, trong đó có mở rộng thêm chiều dài cầu cảng và một số công trình phụ trợ. Dự kiến, việc nâng cấp sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015”.
Trong cuộc họp đánh giá việc triển khai quy hoạch, đầu tư và quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá được tổ chức mới đây, đồng chí Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư, quản lý các cảng cá. Sở NN-PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương án xã hội hóa trong lĩnh vực này. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, Sở NN-PTNT tiến hành rà soát, đánh giá lại vị trí các cảng cá, bến cá, khu neo đậu; cần khảo sát, đề xuất thứ tự ưu tiên đầu tư nâng cấp các cảng cá đã quá tải |
Sự đầu tư không đồng bộ giữa các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cũng làm cho việc quản lý, sử dụng các công trình này gặp khó khăn. Hiện nay, do chưa được đầu tư kè chắn sóng ngầm nên các cảng: Vĩnh Lương, Đại Lãnh chủ yếu hoạt động được từ tháng 1 đến tháng 10 hàng năm; còn tháng 11 và 12, tàu thuyền không thể cập cảng và tránh trú bão được do sóng to, gió lớn. Ngoài ra, Khu neo đậu Ninh Hải tuy đã được đầu tư xây dựng nhưng công suất neo đậu chỉ có 300 tàu, không đúng công suất quy hoạch được duyệt, trong khi nhu cầu tránh trú bão của tàu thuyền lại rất lớn, vượt hơn 100% công suất thiết kế của Khu neo đậu này. Mặt khác, luồng lạch cạn nhưng chưa được đầu tư nạo vét; cầu Bình Tây (phường Ninh Hải) khi xây dựng chưa tính độ cao lưu thông cho tàu thuyền lớn đã làm ảnh hưởng không nhỏ đối với tàu thuyền mỗi khi ra vào Khu neo đậu Ninh Hải.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, năng lực đánh bắt của các tàu cá trong tỉnh cũng như các tỉnh bạn cập cảng trên địa bàn tỉnh rất lớn, nhưng khả năng tiếp nhận và cơ sở vật chất của các cảng cá chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ cho việc thu mua, bảo quản thủy sản, vấn đề vệ sinh môi trường tại các cảng vẫn chưa được đảm bảo. Vì vậy, các cảng cá rất cần được đầu tư về quy mô, cơ sở vật chất để có thể nâng cao năng lực tiếp nhận tàu thuyền cũng như phục vụ cho việc mua bán, sơ chế hải sản tại cảng. Ngoài ra, việc bố trí các phao báo hiệu, hướng dẫn luồng lạch tại các cảng cá, khu neo đậu cũng cần được quan tâm đầu tư để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền mỗi khi ra vào.
HẢI LĂNG