02:11, 24/11/2014

Xử lý chất thải ở doanh nghiệp vừa và nhỏ: Chưa được chú trọng

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chưa chú trọng xử lý ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Mới đây, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tổ chức giới thiệu, tuyên truyền đến doanh nghiệp về công nghệ xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

Nhiều doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chưa chú trọng xử lý ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Mới đây, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tổ chức giới thiệu, tuyên truyền đến DN về công nghệ xử lý chất thải, bảo vệ môi trường (BVMT).

 

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ít quan tâm vấn đề xử lý chất thải. (Trong ảnh: Sản xuất thép tại Doanh nghiệp tư nhân Tuyết Hảo, Cụm công nghiệp Diên Phú)
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ít quan tâm vấn đề xử lý chất thải. (Trong ảnh: Sản xuất thép tại Doanh nghiệp tư nhân Tuyết Hảo, Cụm công nghiệp Diên Phú)


Việc xử lý chất thải là bắt buộc


Theo ông Lê Ngọc Hân - Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Green Life, dù ở hình thức sản xuất nào, hiện đại hay thô sơ thì DN đều thải ra môi trường một lượng chất thải nhất định, làm ảnh hưởng đến cuộc sống xung quanh. Chính vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành Luật BVMT, các tiêu chuẩn, quy chuẩn BVMT... Các DN đăng ký sản xuất kinh doanh đều phải có hồ sơ BVMT, báo cáo đánh giá tác động môi trường và các công trình xử lý chất thải. Vấn đề ở đây là làm thế nào để cân bằng lợi ích của DN và BVMT.

 

Ông Lê Hoàng Thọ - Phó Giám đốc Sở Công Thương: Những năm qua, Khánh Hòa có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá; tuy nhiên, vấn đề xử lý chất thải vẫn là một bài toán, cần giải pháp lâu dài. Hiện nay, có nhiều DN, nhất là DN vừa và nhỏ chưa thật sự quan tâm đến vấn đề môi trường. Nguyên nhân là do các DN thiếu kinh phí và kiến thức.

Tuy việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải BVMT tốn chi phí ban đầu nhưng sẽ giúp DN giảm chi phí xử lý chất thải, có biện pháp phòng ngừa, khắc phục sự cố môi trường và giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. “Khí, bụi, nước thải không những làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây hiệu ứng nhà kính, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến DN như: gây hao mòn máy móc, giảm năng suất, phát sinh nhiều chi phí xử lý môi trường sau đó. Ở Nha Trang có nhiều nhà máy chế biến thủy sản, dệt nhuộm, khách sạn... nên chất thải rất nguy hại. Có nhiều biện pháp xử lý, nhưng xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học đang được áp dụng khá phổ biến trên thế giới. Biện pháp này dễ vận hành, giúp tiết kiệm chi phí, đảm bảo nguồn nước đầu ra”, ông Hân nói.


Còn ông Lê Mạnh Đệ - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vật tư thiết bị Việt Nam nhìn nhận, mỗi DN có loại hình sản xuất kinh doanh khác nhau thì sinh ra các loại chất thải khác nhau. Tuy khâu xử lý sơ bộ chất thải khá quan trọng, nhưng phần lớn DN không coi trọng. Khâu xử lý này khá đơn giản (như: vớt rác, lắng cát, tách dầu mỡ...), nhưng ban đầu, nếu không chú trọng thì sẽ gây khó khăn, tốn kém về thời gian lẫn kinh phí cho các khâu xử lý tiếp theo. Điều này còn làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của thiết bị xử lý môi trường...


Doanh nghiệp thiếu kinh phí...

 

Đề án sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường có tổng vốn đầu tư dưới 500 triệu đồng, mức hỗ trợ tối đa 25%, nhưng không quá 100 triệu đồng/cơ sở. Đề án có tổng vốn đầu tư từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỷ đồng, mức hỗ trợ tối đa 20%, nhưng không quá 180 triệu đồng/cơ sở. Đề án có tổng vốn đầu tư từ 1,5 đến dưới 2,4 tỷ đồng, mức hỗ trợ tối đa 12%, nhưng không quá 240 triệu đồng/cơ sở. Đề án có tổng đầu tư 2,4 tỷ đồng trở lên, mức hỗ trợ tối đa 10%, nhưng không quá 300 triệu đồng/cơ sở.

Ông Trần Văn Can - Giám đốc Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Khánh Hòa chia sẻ: “Chúng tôi muốn học tập, tìm hiểu vấn đề xử lý chất thải, BVMT để đời sống của người dân khu vực quanh DN và công nhân trong Công ty được tốt hơn. Đây cũng là tiền đề đảm bảo cho DN phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đối với DN, mọi chi phí đều có sự cân nhắc để đảm bảo làm ăn có lãi, đời sống cán bộ, công nhân không bị ảnh hưởng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Chính vì vậy, đa số DN vừa và nhỏ chưa mặn mà với việc đầu tư trang thiết bị xử lý môi trường. Hiện nay, Công ty chúng tôi cũng còn thiếu kiến thức về đánh giá tác động môi trường. Trong khi đó, chưa có cơ quan chức năng nào hướng dẫn thực hiện việc này. Vì vậy, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng hỗ trợ DN để việc xử lý chất thải được tốt hơn”.


Theo ông Lê Ngọc - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, hàng năm, kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương đều rất quan tâm đến việc hỗ trợ DN đầu tư mới hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường. Cụ thể, theo nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, đối với đề án đầu tư mới hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường được hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư, nhưng không quá 200 triệu đồng/cơ sở. Đối với đề án sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường được hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 300 triệu đồng/cơ sở. Về kinh phí khuyến công địa phương, đối với các đề án sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/cơ sở.


Được biết, thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với một số đơn vị tư vấn về môi trường, đơn vị cung cấp các thiết bị xử lý môi trường để phổ biến, nâng cao nhận thức của DN về BVMT trong hoạt động sản xuất kinh doanh.


NHẬT THANH