Thời gian qua, việc triển khai Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
Thời gian qua, việc triển khai Nghị định (NĐ) 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
Hiện đại hóa đội tàu khai thác xa bờ vẫn còn nhiều khó khăn. |
Triển khai đồng bộ
Theo ông Nguyễn Văn Đẩu - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, để ngư dân nắm bắt được chủ trương, chính sách ưu đãi của NĐ 67, Chi cục đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn nội dung NĐ và các thông tư hướng dẫn cho hơn 1.200 chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá có công suất từ 90CV trở lên. Bên cạnh đó, Chi cục phổ biến chủ trương thành lập tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển và các quy định của NĐ 67 cho lãnh đạo 20 xã, phường có nghề biển phát triển trên địa bàn tỉnh. “Đối tượng chúng tôi tập trung tuyên truyền là các chủ tàu làm nghề khai thác xa bờ được ưu tiên đầu tư như: câu cá ngừ đại dương, lưới rê, lưới vây rút và chụp mực” - ông Đẩu nói.
Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cũng phối hợp với Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (Trường Đại học Nha Trang) và Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Nha Trang giới thiệu tính năng, ưu nhược điểm của một số mẫu tàu vỏ thép, vỏ composite, vỏ gỗ để ngư dân có định hướng trong việc đăng ký đóng mới tàu. Đồng thời, phối hợp với các hãng chế tạo máy tàu thủy có uy tín như: Yanmar, Mitsubishi, Cumins... giới thiệu các loại máy thủy để ngư dân có sự lựa chọn. Song song đó, các ngành chức năng của tỉnh tiến hành kiểm tra 14 cơ sở đóng mới tàu trên địa bàn tỉnh, và đã đề nghị UBND tỉnh công bố 12 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các cơ sở này đang nâng cấp về nhà xưởng, trang thiết bị, bổ sung hồ sơ để đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá.
Ngoài ra, để ngăn ngừa tình trạng cò mồi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã chỉ đạo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh viết phương án sản xuất mẫu, hướng dẫn ngư dân hoàn thiện để làm cơ sở đăng ký vay vốn đóng mới, cải hoán tàu thuyền. Đến thời điểm này, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã đăng ký đóng mới 65 tàu cá, cải hoán, nâng cấp 199 chiếc.
Để NĐ 67 sớm đi vào cuộc sống, đơn vị chức năng hiện đang gấp rút triển khai việc thành lập lại các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển. Đến nay, đã thành lập được 30 tổ đội, thời gian tới sẽ thành lập 165 tổ đội, có sự công nhận của chính quyền cấp xã, mỗi tổ đội có 6 đến 8 tàu cá khai thác vùng biển xa theo nhóm nghề hoặc ngư trường. Bên cạnh đó, Khánh Hòa được phân bổ chỉ tiêu đóng mới 160 tàu cá, 15 tàu dịch vụ hậu cần. Sở NN-PTNT đã rà soát hiện trạng, năng lực tàu cá của các địa phương trong tỉnh để tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phân bổ chỉ tiêu đăng ký cho các địa phương...
Còn nhiều khó khăn
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết: Hiện nay, các bộ, ngành Trung ương vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục đăng ký, xét duyệt, thẩm định, phê duyệt việc cho vay đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Chính vì thế, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn như đến nay vẫn chưa rõ cấp huyện phải thẩm định nội dung gì trong quy trình này. Việc chậm công bố các mẫu tàu để ngư dân lựa chọn cũng khiến việc triển khai đăng ký đóng mới tàu cá của ngư dân bị chậm. Ông Tuấn đề nghị: “Để các địa phương có cơ sở triển khai, UBND tỉnh nên ban hành quy định tạm thời về trình tự, thủ tục đăng ký, xét duyệt, thẩm định, phê duyệt việc cho vay đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; nếu chờ quy định của Trung ương sẽ rất chậm”.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai NĐ 67, đồng chí Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Sở NN-PTNT tiếp tục tuyên truyền, phổ biến để ngư dân nắm rõ những chính sách của NĐ. Đối với thời gian đăng ký đóng mới, cải hoán tàu, chậm nhất đến ngày 30-11 phải xong để thực hiện tiếp các bước thẩm định, phê duyệt danh sách… Đối với hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký, xác nhận, thẩm định, phê duyệt hồ sơ vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá, UBND tỉnh sẽ ban hành quy định để triển khai thực hiện… |
Theo ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Văn Đạt - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (Trường Đại học Nha Trang), không ít ngư dân vẫn còn khá mơ hồ về các chính sách của NĐ 67. Hiện đang tồn tại một nghịch lý là người làm ăn có hiệu quả thì chưa dám vay, người không làm ăn được thì lại muốn vay. Bên cạnh đó, nếu ngư dân vay khoảng 10 tỷ đồng để đóng một con tàu, đồng nghĩa với việc mỗi năm họ phải làm có lãi 1 tỷ đồng để trả nợ vay, điều này hết sức khó khăn. Chính vì vậy, cần phải có và sớm công bố những mẫu tàu phù hợp với khả năng tài chính của ngư dân và giúp họ khai thác hiệu quả...
Liên quan đến vấn đề vay vốn, nhiều ngư dân cho rằng vẫn chưa rõ cách thức triển khai của ngân hàng (NH) ra sao, NH sẽ cho đối tượng nào vay, giải ngân như thế nào? Trường hợp ngư dân đã tự đóng tàu trước khi NĐ 67 có hiệu lực, nay thiếu vốn thì họ có được vay theo NĐ này hay không? Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Chiểu - Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho biết: “NH chỉ cho vay đối với những ngư dân có trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt; khi có danh sách, NH sẽ thẩm định, giải ngân theo quy định. Với NĐ 67, ngư dân chỉ được hỗ trợ một phần lãi suất, ngư dân vay vốn phải làm ăn có hiệu quả, có trách nhiệm hoàn trả vốn cho NH. Những ngư dân đóng tàu trước khi NĐ 67 có hiệu lực không thể vay và hưởng chính sách ưu đãi của NĐ”.
HẢI LĂNG